Cấp bách phân bổ vốn phòng, chống sạt lở

NDO - Chiều 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với các bộ ngành về việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã báo cáo kết quả quá trình khảo sát của Bộ tại các điểm sạt lở cấp bách ở 5 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở một số địa phương (vùng Tây Bắc, nặng nhất là tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, 1 phần Sơn La và một số địa điểm ở Tây Nguyên); nhấn mạnh yêu cầu phải xử lý cấp bách các khu vực sạt lở trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đặt ra những vấn đề phải có biện pháp giải quyết bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Sau khi nghe báo cáo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành đã có đề xuất kịp thời xử lý hậu quả sạt lở bờ sông, bờ biển do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống, tài sản, tính mạng của người dân.

Do đặc thù của việc xử lý các dự án liên quan đến sạt lở nên ý kiến của các bộ về danh mục dự án còn có sự khác nhau, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với tính cấp bách của việc xử lý sạt lở, các địa phương, bộ, ngành phải nhanh chóng rà soát, phối hợp, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh nhất, kịp thời, phù hợp quy định pháp luật, trên tinh thần trọng tâm, trọng điểm, sớm triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng đề nghị, với 7 tỉnh và thành phố Cần Thơ, các bộ hoàn thiện các phương án theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc khảo sát đồng bằng sông Cửu Long vừa qua; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương, bộ, ngành rà soát lần nữa với 5 tỉnh mà Bộ đi khảo sát và có đề xuất chính thức.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trước đây các bộ đề xuất sử dụng nguồn tăng thu để xử lý các dự án, nhưng do tính chất cấp bách của vấn đề, cùng với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ là phải dùng nguồn dự phòng để xử lý hậu quả do thiên tai cấp bách, do đó việc sử dụng nguồn vốn dự phòng phải bảo đảm quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Phòng, chống thiên tai; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc “xử lý cấp bách” cũng như thời gian thực hiện dự án.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc đề xuất danh mục dự án phải theo nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải lựa chọn dự án nơi nào làm trước, nơi nào làm sau, sử dụng nguồn lực hiệu quả, làm dứt điểm từng khu vực, từng dự án.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát, thống nhất đề xuất danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước 15/9/2023 để có nguồn lực cùng với các địa phương xử lý kịp thời các khu vực sạt lở.

Liên quan nguồn vốn, theo Phó Thủ tướng sử dụng nguồn dự phòng theo quy định tại Nghị định 66/2021/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai) là ngân sách địa phương phải bảo đảm. Nếu không bảo đảm được, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ; các bộ phải phối hợp Bộ Tài chính trình nội dung phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ, ngành thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc làm việc với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long; Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ, đánh giá cùng các địa phương, xin ý kiến thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tránh trùng lặp những dự án có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn khác, và phải làm một cách chặt chẽ, thận trọng.