Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến"

NDO - Trực 4 cấp 24/24 giờ sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh vào dịp Tết nguyên đán, chuẩn bị hàng nghìn suất ăn phục vụ người bệnh nằm viện xuyên Tết… là các hoạt động thường niên của các bệnh viện trước thời khắc giao thừa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. 
0:00 / 0:00
0:00
Đưa bệnh nhân đi phẫu thuật.
Đưa bệnh nhân đi phẫu thuật.

Giáp Tết, Trung tâm Khám bệnh, Cấp cứu và Điều trị trong ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hối hả tiếp nhận bệnh nhân, hầu hết các trường hợp là tai nạn giao thông ở tuyến dưới chuyển lên.

Sụt sùi mỗi khi được bác sĩ đến khám cho bố, chị Trần Thanh T. (Hải Hậu, Nam Định) kể lại, như mọi hôm, tầm chiều tối bố chị là ông Trần Văn T. đi xe đạp điện sang nhà bác sĩ gần đó để tiêm khớp chân.

Chiều 27 Tết, vừa đi tiêm về tới nhà, ông bị một nam thanh niên đi xe máy với tốc độ nhanh đâm phải khiến ông đập đầu xuống đường, chấn thương sọ não.

“Bác sĩ nói do bố tôi có tiền sử uống rượu nên yếu tố đông máu bị ảnh hưởng. Gia đình cũng đang chờ không biết khi nào ông ổn định để sớm được phẫu thuật chảy máu não”, chị T. cho hay.

Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến" ảnh 1

Chị Trần Thanh T. (áo xanh) nghe bác sĩ tư vấn về tình trạng chấn thương của bố.

Hơn 70 tuổi, ông Đinh Văn Kh. (Ý Yên, Nam Định) rơi nước mắt khi vừa đưa vợ Trần Thị L. chuyển tuyến cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. “5 giờ sáng ngày 28 Tết, bà đi hái rau để về ăn không may bị xe máy tông phải. Bà bị gẫy toàn bộ chân phải, lồi xương nên các bác sĩ tuyến dưới chuyển thẳng lên đây. Giờ bà vẫn run vì mất máu, chưa rõ tình hình sức khỏe thế nào”, vẻ mặt khắc khổ của ông Kh. khiến bất kỳ ai cũng chạnh lòng.

Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến" ảnh 2

Ông Đinh Văn Kh. (Ý Yên, Nam Định) rơi nước mắt khi thấy vợ bị chấn thương gẫy chân.

Kể từ khi đưa vào hoạt động Trung tâm Khám bệnh, Cấp cứu và Điều trị trong ngày với cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại, các bác sĩ trực cấp cứu tại đây đã có một tầm bao quát tốt hơn trước các trường hợp vừa đưa vào cấp cứu.

Có 6 năm trực Tết tại viện, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Vân, Khoa Phẫu thuật hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ cho hay, các ca nhập viện vào dịp Tết chủ yếu là đa chấn thương sọ não hoặc chấn thương vùng bụng rất nặng. Hầu hết đều do bệnh nhân uống rượu gây ra tai nạn hoặc bị tai nạn do tham gia giao thông.

“Chúng tôi thường xuyên gặp những chấn thương gây ra vết thương hở, có trường hợp không nhận ra khuôn mặt, chúng tôi phải tối cấp cứu. Vì thế, tôi mong mọi người trong dịp vui xuân cần hạn chế nhậu nhẹt để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Huyền chia sẻ.

16 năm công tác tại bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng cho hay, vào dịp Tết, bệnh viện tiếp nhận nhiều nhất các ca bị tai nạn giao thông đa chấn thương, tổn thương sọ hàm mặt.

Đặc biệt, bác sĩ Huyền cảnh báo, tỷ lệ tai nạn do uống rượu bia khi tham gia giao thông tăng cao, dường như mọi người đang quên đi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

“90% bệnh nhân được đưa đến cấp cứu đều liên quan tai nạn giao thông, có thể do người uống rượu bia gây tai nạn hoặc do tự bản thân mình bị tai nạn do uống rượu bia. Có những ca cấp cứu đưa tới vào đúng thời điểm giao thừa, chúng tôi hối hả lo cứu chữa bệnh nhân chứ không nghĩ gì tới thời khắc gửi lời chúc đầu năm.

Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến" ảnh 3

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thanh Huyền khám cấp cứu cho người bệnh.

Trong ngày Tết, đáng lẽ các bệnh nhân đoàn tụ với gia đình thì họ lại vào viện vì tai nạn trong tình trạng rất nặng, các gia đình sẽ xót xa hơn. Chúng tôi rất đồng cảm với các gia đình bệnh nhân và hết lòng cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, có không ít ca nằm ngoài tầm xử lý của bác sĩ, rất thương tâm”, bác sĩ Huyền xót xa nói.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc bệnh viện cho hay, bệnh viện đã triển khai trực 4 cấp. Riêng tại khoa Cấp cứu, kíp trực luôn có 15 bác sĩ, 10 điều dưỡng và nhiều bác sĩ nội trú, sinh viên thực tập, hộ lý và lực lượng hỗ trợ khác.

Để phục vụ công tác cấp cứu vào những ngày Tết, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cung ứng đầy đủ vật tư y tế trong dịp Tết.

“Theo kinh nghiệm hằng năm dịp Tết nguyên đán là kỳ nghỉ dài ngày, các đơn vị cung ứng thường nghỉ 10-15 ngày nên bệnh viện hiện đã lập cơ số thuốc dự trữ phục vụ công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết và đang làm việc với các nhà cung cấp để dự trữ đủ số thuốc này.

Một số thuốc chưa có kết quả đàm phán giá/đấu thầu tập trung/trúng thầu nhưng chưa cung cấp đủ hàng bệnh viện đang khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để mua sắm thuốc thay thế bảo đảm cung cấp cho công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và 6 tháng đầu năm 2023”, bác sĩ Khánh cho hay.

Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến" ảnh 4

Tua trực tại Khoa Cấp cứu có 15 bác sĩ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, sẽ có khoảng 2.000 bệnh nhân ăn Tết tại viện, hầu hết đều trong tình trạng nặng, phải nằm viện điều trị dài ngày. Bệnh viện đã chuẩn bị hàng nghìn suất ăn cho cho thân nhân người bệnh và bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện. Toàn bộ hệ thống cantin, nhà dinh dưỡng hoạt động 24/24 để phục vụ người bệnh xuyên Tết.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2.000 bệnh nhân ở lại ăn Tết sẽ được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo cả về sức khỏe và tinh thần để bệnh nhân đón Tết an lành.

Là bệnh viện tuyến cuối, số bệnh nhân cấp cứu đông hơn ngày thường nên bệnh viện đã chuẩn bị lực lượng nhân lực chu đáo. “Chúng tôi tổ chức trực 4 cấp, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, trực thường trú và lực lượng trực tiếp trực tại bệnh viện. Bệnh viện chuẩn bị bài bản về thuốc, vật tư tiêu hao, bảo đảm các phương tiện phục vụ cấp cứu tốt nhất. Chúng tôi cũng có hướng dẫn phòng dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác để giúp người dân đón Tết an lành”, ông Cơ cho hay.

Tại Bệnh viện E, Giám đốc Nguyễn Công Hựu cho biết, bệnh viện đã lên kế hoạch trực Tết 4 cấp trực lãnh đạo; trực xử lý thông tin đường dây nóng; trực lâm sàng, trực cận lâm sàng; trực hành chính-bảo vệ.

“Chúng tôi đã có lịch phân công cán bộ đi làm và trực 24/24 giờ. Đồng thời, bố trí nhân viên trực điện thoại để kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn người dân sơ cứu trong thời gian chờ cấp cứu bảo đảm khám chữa bệnh xuyên Tết như bình thường. Bệnh viện đã kết hợp với các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm tặng quà cho người bệnh… để giúp người bệnh có được một cái Tết ấm áp dù không ở nhà vào những ngày Tết”, bác sĩ Hựu chia sẻ.

Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến" ảnh 5

Lãnh đạo Bộ Y tế và bệnh viện tặng quà người bệnh phải nằm viện trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong 10 năm công tác tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân, Bệnh viện Thanh Nhàn có 6 năm trực 30 Tết tại bệnh viện. Với bác sĩ trẻ này, công tác trực Tết cũng là một nhiệm vụ như ngày thường nhưng lượng bệnh nhân những ngày Tết sẽ tăng gấp nhiều lần nên kíp trực phải làm việc khá vất vả.

Trong ký ức của bác sĩ Quân nhớ mãi một ca bệnh nhập viện vào đúng thời điểm trước giao thừa hơn 1 giờ đồng hồ trong tình trạng khó thở, nhồi máu cơ tim cấp.

"Chúng tôi phải huy động khẩn cấp các bác sĩ đang nghỉ ở nhà vào viện khẩn cấp để cấp cứu bệnh nhân kịp thời, cứu sống tính mạng bệnh nhân vào đúng thời khắc giao thừa", bác sĩ Quân chia sẻ.

Với các y, bác sĩ, hạnh phúc của nghề chăm sóc sức khỏe người dân chính là cấp cứu kịp thời người bệnh, cứu sống tính mạng người dân.

Các bệnh viện sẵn sàng "trực chiến" ảnh 6

Khám cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.