Đón Tết ở phòng trực

NDO - Hy sinh không khí đoàn viên, sum họp của gia đình mình để mang lại cái Tết bình yên cho hàng vạn gia đình khác là những đóng góp thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Quỳnh Hương thăm khám cho trẻ sinh non đang được mẹ ấp kangaroo.
Bác sĩ Quỳnh Hương thăm khám cho trẻ sinh non đang được mẹ ấp kangaroo.

Tĩnh lặng trong khu trẻ sinh non

Khu hồi sức, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn thường trực không khí cần kíp, hối hả, nhưng các bác sĩ, y tá ở đây luôn rất mực nhẹ nhàng. Những em bé sinh non, các em bé chào đời có bệnh lý đều nằm ở khu này và hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng mà không có cha mẹ bên cạnh.

Bởi vậy, Tết trong Khoa Sơ sinh luôn mang những dấu ấn đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đi từng phòng trong tua trực để thăm khám cho các con. Những em bé nằm đây chắc chắn sẽ đón Tết trong bệnh viện. Chỉ có một số ít trẻ phát triển tốt hơn sẽ được ra ghép mẹ bên khu ổn định.

Đón Tết ở phòng trực ảnh 1

Bác sĩ Quỳnh Hương cho biết việc chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi rất tỉ mỉ và cẩn thận.

Bác sĩ Hương tâm sự, trong y tế, chăm sóc trẻ sơ sinh là lĩnh vực vất vả nhất trong nhi khoa. Những người đã trụ lại khoa đều cực kỳ yêu nghề vì “trẻ sơ sinh không biết nói nên mình phải có tình cảm xuất phát từ tâm”.

Trong những ngày Tết, nhiều ông bố bà mẹ túc trực phía ngoài cửa khoa để mong ngóng tin con bình an. Không như các bệnh lý khác, trẻ có thể “tạm” ra viện mấy ngày Tết rồi quay lại tiếp tục điều trị, phía trong Khoa Sơ sinh, các bé coi đây là nhà vì các con chỉ thật sự được ra viện khi sức khỏe hoàn toàn ổn định để gia đình có thể tự chăm sóc tại nhà.

“Nuôi con mọn” với một sản phụ đã là một hành trình khó khăn. Nhưng “nuôi con mọn” với trẻ non tháng, nhiều bệnh lý, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng rất cao thì đòi hỏi các y, bác sĩ phải hết sức thận trọng.

Đối với các bác sĩ khoa Sơ sinh nói chung và bác sĩ Hương nói riêng, đích phấn đấu duy nhất là các con được ra viện - Đó mới thực sự là Tết.

“Trẻ sơ sinh thường cứ 3 tiếng 1 lần cho ăn thay tã, còn các bạn non tháng thì cho ăn nhiều hơn từ 12-16 bữa/ngày, thậm chí có những bạn nhỏ giọt dạ dày, nên công việc rất áp lực và căng thẳng. Nếu không yêu nghề, yêu trẻ và tính kiên trì thì khó bám trụ được với công việc tại đây. Chưa kể tại khu vực hồi sức của chúng tôi, áp lực đó còn tăng gấp bội, gần như trong tua trực các nhân viên y tế không có giờ nghỉ”, bác sĩ Hương tâm sự.

Những người mẹ đặc biệt trong ca trực vì vậy luôn chân luôn tay, không chỉ với tâm thế của một bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc người bệnh mà cũng như người mẹ cưng nựng, vỗ về, thì thầm những điều tích cực để truyền hơi ấm, tình cảm cho các con.

“Các con thiếu vắng hơi ấm của cha mẹ nên thấy rất thương. Tết các cô cũng đi chúc Tết từng con, có lời nói “Nay mùng 1 Tết rồi nhé, sáng tuổi mới chúc con nhanh khỏe về với mẹ”, bác sĩ Hương cho hay.

Trong Ngày Thế giới vì trẻ sinh non gần nhất, bác sĩ Hương đã vô cùng xúc động khi gặp lại một người mẹ trẻ. Người mẹ nói: “Bác ơi, bác còn nhớ không, đứa trẻ 3 lần bác báo bố mẹ chuẩn bị, giờ đã 3 tuổi rồi bác ạ!".

Đối với các bác sĩ khoa Sơ sinh nói chung và bác sĩ Hương nói riêng, đích phấn đấu duy nhất là các con được ra viện - Đó mới thực sự là Tết.

Hối hả khu cấp cứu

Là bác sĩ trẻ mới có 4 năm công tác, nhưng suốt 2 năm qua, bác sĩ Nguyễn Duy Toản, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang có 2 năm đón Tết tại viện, trong đó có một đêm trực giao thừa.

Trực Tết Covid-19 năm 2021 trong bệnh viện là ca trực khiến anh nhớ mãi. Trực Tết Covid-19, hầu hết các anh em trong khoa vẫn đang mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang N95 kín mít. Chung quanh lúc nào cũng vang lên tiếng báo động của máy monitor, của máy thở…

Trong thời điểm 3 ngày Tết, chỉ cần có một bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu thì thường là bệnh nhân rất nặng. “Các mặt bệnh đến Khoa cấp cứu trong những ngày Tết thường liên quan đến suy hô hấp, đột quỵ não, xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… Không ít trong số các trường hợp tai nạn có liên quan đến rượu, bia”, bác sĩ Toản thông tin.

Từ ngày mùng 3, hoặc mùng 4 trở đi, lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng rất nhiều và người bệnh có rất nhiều nguy cơ gặp nguy hiểm.

Theo bác sĩ Toản, dù không được cùng gia đình đón Tết trong những lần trực đó, các bác sĩ luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chăm lo đời sống kịp thời từ lãnh đạo bệnh viện. Điều này cũng phần nào tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y, bác sĩ an tâm làm việc.

Tết với các y, bác sĩ chính là khi thấy chính bàn tay mình cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch, là những ánh mắt cảm kích của người thân người bệnh, là tiếng cảm ơn của những người không may mắn phải nhập viện trong dịp Tết.

Xuyên đêm trên đường

Ngắm không khí xuân nhưng tâm trạng hối hả vì công việc cấp cứu, các nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lúc nào cũng trong guồng quay của cuộc chiến cam go cứu bệnh nhân.

Trong những ngày Tết, Trung tâm phải bố trí tăng cường lực lượng bảo đảm thường trực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng cho biết, với 15 xe cấp cứu hoạt động liên tục trong ngày, trung bình 1 ngày Trung tâm tiếp nhận và vận chuyển khoảng 120-150 chuyến cấp cứu. Hằng ngày các cán bộ nhân viên Phòng điều phối thường nhận và xử lý từ 2.000-4.000 cuộc gọi, ngoài những cuộc gọi cấp cứu, họ còn tư vấn cho người dân một số vấn đề về sức khỏe hoặc hướng dẫn sơ cứu khi chờ xe cấp cứu tới.

Đón Tết ở phòng trực ảnh 2

Trung tâm 115 túc trực cấp cứu 24/24.

Vào những dịp lễ, Tết, số cuộc gọi cấp cứu tăng lên từ 20-40%. Từ 8 giờ tối ngày 30 Tết tới 5 giờ sáng mùng 1 Tết là thời điểm hầu như Trung tâm cấp cứu 115 luôn trong tình trạng quá tải. Đa phần các ca bệnh thường tập trung vào những người già, bệnh mạn tính, nhưng cơ cấu bệnh tật thường sẽ nặng hơn so với ngày thường.

Đặc biệt, dịp Tết, do nhu cầu đi lại, tình trạng lạm dụng rượu bia nên xảy ra nhiều ca tai nạn giao thông gây ra những chấn thương nặng, nguy kịch…. có nguy cơ đe dọa tính mạng của nạn nhân.

20 năm làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, thì là từng đó thời gian trực Tết tại đơn vị, bác sĩ Thắng tâm sự, vì đặc thù công việc, ngày Tết trực 24 tiếng, nghỉ 48 tiếng, nên hầu như cán bộ, nhân viên tại Trung tâm không về nhà được quá lâu, nhất là về quê xa thì không.

“Hai vợ chồng cùng làm việc trong ngành y tế nên hầu như năm nào các con cũng đại diện 2 vợ chồng về quê ăn Tết với ông bà. Nhiều khi tôi cũng chạnh lòng, nhưng công việc là thế, mình phải hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Thắng kể.

17 năm gắn bó với công việc trực cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Hương, hiện đang làm việc tại Phòng điều phối đã trải qua 17 năm căng thẳng vào những ngày Tết để nhận các cuộc gọi, phân loại cuộc gọi rác, nhận định tình hình cấp cứu của từng trường hợp để điều phối xe cấp cứu ngoại viện.

“Quanh năm ngày tháng đi trực, chúng tôi không có ngày nghỉ cố định. Những ngày lễ, Tết những người quê xa khó sắp xếp được để về. Gia đình tôi cũng phải chia mỗi năm ăn tết một quê vì không thu xếp được công việc. Cả năm tất bật với công việc, ít về thăm bố mẹ, đến ngày Tết lại cũng không về được thì rất thương ông bà và cảm thấy có phần nào đó áy náy”, chị Hương tâm sự.

Đón Tết ở phòng trực ảnh 3

Tại trung tâm, căn phòng điều phối chưa bao giờ tắt ánh điện.

Tại trung tâm, căn phòng điều phối chưa bao giờ tắt ánh điện. Nhân viên trực 24/24 để nhận cuộc gọi, phân loại bệnh nhân, điều xe cấp cứu. Đội ngoại viện trực chiến trên đường, sẵn sàng lăn xả để cứu người bệnh, cho dù cơ thể họ không còn lành lặn.

Trong quá trình tiếp nhận đưa bệnh nhân đi cấp cứu thì việc tiếp xúc với các ca bệnh nặng, những đối tượng ngáo đá, nguy cơ phơi nhiễm cao,… nếu không phải những người có “tinh thần thép” thì khó có thể trụ lâu dài với nghề này được.

Với các nhân viên y tế trên mọi mặt trận, họ không coi việc phải trực tại bệnh viện ngày tết là sự thiệt thòi mà chỉ đơn giản là nhiệm vụ thiêng liêng của người làm trong ngành y.