Bước tiến mới cho bài toán di cư

Thụy Điển, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, đã đánh giá thỏa thuận mới đạt được của EU là “sự cân bằng” về trách nhiệm đối với những người xin tị nạn, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser ví thỏa thuận này như một “thành công lịch sử” của Lục địa già.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Người di cư trên một chiếc xuồng bơm hơi, rời bến gần Wimereux, Pháp để vượt eo biển Manche vào Anh. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa: Người di cư trên một chiếc xuồng bơm hơi, rời bến gần Wimereux, Pháp để vượt eo biển Manche vào Anh. (Ảnh: Reuters)

Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên EU có thể chia sẻ việc tiếp nhận lượng người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do EU quản lý để chăm sóc người di cư. Nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU, họ sẽ bị trả về ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý lâu nhất là trong vòng 6 tháng. Những quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận người xin tị nạn sẽ đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 euro/người vào một quỹ do EU quản lý nhằm hỗ trợ người di cư.

Thỏa thuận đạt được đã phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề di cư, vốn gây nhiều bất đồng, tranh cãi giữa các nước EU thời gian qua. Dù vậy, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Ylva Johansson nhấn mạnh rằng, vấn đề người xin tị nạn bị từ chối sẽ được gửi trả về đâu tiếp tục là vướng mắc lớn mà EU phải tập trung giải quyết. Lượng người di cư vượt biên qua Địa Trung Hải vào châu Âu thời gian qua tăng vọt, gây sức ép lớn cho hàng loạt quốc gia EU, trong đó có Italia. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, số vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải tăng 28% lên gần 42.200 vụ. Tính từ đầu năm nay, số người di cư qua Trung Địa Trung Hải chiếm hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU.

Các chuyên gia dự báo rằng, thời tiết khu vực Địa Trung Hải ấm áp hơn trong giai đoạn chuyển giao từ xuân sang hè là yếu tố khiến lượng người di cư gia tăng. Tuy nhiên, thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất. Những nguyên nhân khác đến từ khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột tại các nước như Libya, Tunisia, Pakistan... Vấn đề người di cư đã bị lu mờ trong chương trình nghị sự của EU suốt quãng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 hạ nhiệt và các chính sách mở cửa biên giới được thực thi, dòng người di cư trái phép qua ngả Địa Trung Hải vào EU tăng mạnh trở lại.

Một số tổ chức nhân đạo gần đây có ý kiến rằng, EU đã không đẩy mạnh nỗ lực tạo ra các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho dòng người tị nạn đến châu Âu. Trong nửa đầu năm 2023, hơn 1.000 người tị nạn phải bỏ mạng ở Địa Trung Hải. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc từng tuyên bố, những tổn thất về tính mạng của người di cư trên Địa Trung Hải là kết quả của một hệ thống quản lý di cư thất bại, thiếu sự đoàn kết và chưa đặt quyền của người di cư ở trung tâm. Trước thực trạng này, vấn đề di cư hiện đã quay trở lại danh sách ưu tiên trong chương trình nghị sự của EU, bên cạnh các vấn đề nóng khác như xung đột tại Ukraine, lạm phát, tình trạng biến đổi khí hậu...

Thỏa thuận chia sẻ tiếp nhận người xin tị nạn đã đánh dấu thành tựu quan trọng của Thụy Điển trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Tuy vậy, thỏa thuận này là không đủ để đối phó với vấn đề di cư hóc búa, bởi mục tiêu cuối cùng của toàn khối là thiết lập một hệ thống kiểm soát dòng người di cư lâu dài, bền vững, hiệu quả.