Châu Âu tìm lời giải cho bài toán di cư

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể dàn xếp bất đồng về vấn đề di cư trái phép, dù chủ đề này chiếm khá nhiều thời lượng tại Hội nghị cấp cao EU cuối tuần qua. Châu Âu vẫn khó khăn trong việc tìm lời giải cho bài toán di cư.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng an ninh Italy giám sát một thuyền chở người di cư trái phép vào châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES
Lực lượng an ninh Italy giám sát một thuyền chở người di cư trái phép vào châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES

Thực trạng di cư

Bên cạnh nỗi lo về suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao và xung đột địa chính trị, châu Âu đang đau đầu trước tình trạng di cư trái phép không ngừng gia tăng. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), hơn 330.000 lượt người vượt biên trái phép vào “lục địa già” năm 2022, trong khi số đơn xin tị nạn cũng tăng 46%, lên gần 924.000 người. Riêng tuyến đường Địa Trung Hải qua Italy, số người vượt biên đã tăng 51%; tuyến Tây Balkan qua Serbia và phía đông Địa Trung Hải qua Hy Lạp tăng lần lượt 136% và 108%.

Với gần tám triệu người tị nạn tới từ Ukraine, trong đó năm triệu người đã được đăng ký thông qua chương trình bảo vệ tạm thời của EU hoặc các chương trình bảo vệ quốc gia, vấn đề người di cư đang tạo những áp lực không nhỏ đối với châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phải thừa nhận, tình trạng di cư đang là một thách thức lớn và kéo dài của châu Âu.

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người nhập cư trái phép ở biên giới, như có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối; tài trợ để tăng cường hệ thống camera giám sát cũng như lực lượng bảo vệ biên giới. Cho đến nay, các nước thành viên vẫn chia rẽ trong vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư từ các nước láng giềng và đối tác.

Trường hợp Áo và Hà Lan phủ quyết việc Bulgaria và Romania gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen không phải hoàn toàn vô cớ. Ngoài lý do những nước này chưa có các biện pháp bảo vệ biên giới một cách hiệu quả, Bộ Nội vụ Áo cho biết, có tới 40% số người di cư đến Áo đi qua lãnh thổ Bulgaria. Không chỉ là quốc gia tiếp nhận người di cư lớn thứ tư, mà tính theo tỷ lệ dân số, Áo đang là nước có số người xin tị nạn lớn nhất trong EU.

Tìm kiếm giải pháp

Trong tình thế đó, Hội nghị cấp cao EU mới kết thúc ở Brussels (Bỉ) đã nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề di cư trái phép, dù vẫn còn tồn tại một số bất đồng giữa các nước thành viên. Các nhà lãnh đạo EU nhất trí áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư trái phép ở biên giới, theo đó có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối. Bà Ursula von der Leyen nêu rõ, các dự án thí điểm dựa vào các cơ quan giám sát biên giới, các cơ quan về người tị nạn phối hợp lực lượng cảnh sát của EU sẽ xem xét giải quyết các trường hợp xin tị nạn ngay tại các biên giới ngoại khối.

Trong một tài liệu được công bố vào cuối hội nghị kéo dài 16 giờ, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh, tình trạng nhập cư trái phép gia tăng là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng trên toàn châu lục. Do vậy, các nhà lãnh đạo kêu gọi EC khẩn trương tăng cường an ninh biên giới ngoại khối bằng cách tăng khả năng bảo vệ, củng cố hạ tầng, phương tiện giám sát, trong đó có thiết bị và phương tiện giám sát trên không. Các nhà lãnh đạo EU đạt thỏa thuận cho phép một quốc gia thành viên có thể sử dụng phán quyết của tòa án ở một nước thành viên khác để trục xuất người di cư trái phép về nước xuất xứ, nhằm ngăn chặn khả năng người di cư đến một nước khác để xin tị nạn sau khi bị quốc gia đầu tiên từ chối tiếp nhận.

Các động thái trên diễn ra sau khi các quốc gia EU kêu gọi EC thanh toán chi phí cho các hàng rào biên giới được gia cố thêm nhằm ngăn chặn người vượt biên trái phép từ các quốc gia láng giềng không thuộc EU. Dù EU đã dành sáu tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối giai đoạn 2021-2027, nhưng một số quốc gia vẫn kêu gọi Brussels tài trợ để tăng cường hàng rào dọc biên giới bên ngoài của EU nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn. Tuy nhiên, EU khẳng định, không thanh toán chi phí cho việc xây dựng các tường rào, một biện pháp mà EU cho rằng, không hợp lý để ngăn chặn người di cư từ các quốc gia láng giềng không thuộc EU, cũng như không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư.

Giới phân tích thừa nhận các nút thắt trong vấn đề người di cư là không dễ cởi bỏ trong một sớm, một chiều. Để hạn chế tình trạng di cư trái phép, EU còn rất nhiều việc phải làm, từ biện pháp mềm là sửa đổi quy định chung của khối và của từng nước thành viên đến biện pháp cứng rắn là lắp đặt camera, tháp giám sát an ninh và tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới.