Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022, cơ quan này ghi nhận 40.675 trường hợp vượt biên trái phép trên tuyến đường Tây Balkan, cao gấp gần ba lần so với con số của cùng kỳ năm 2021. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong năm 2021, có 3.077 người thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương trong hành trình di cư bất hợp pháp đến châu Âu. Việc các nước châu Âu đóng cửa biên giới để đối phó dịch Covid-19 khiến hoạt động di cư trở nên khó khăn. Bởi vậy, không ít người di cư đã tìm đến những đường dây đưa người vượt biên trái phép, đẩy số phận họ vào tình trạng rủi ro, nguy hiểm.
Đối phó làn sóng di cư luôn là vấn đề dai dẳng, gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia trong EU, Chính phủ Pháp mới đây hối thúc EU hiện thực hóa một hiệp ước về người tị nạn, vốn đã đình trệ trong nhiều năm, trong đó đề cập kế hoạch tái định cư khoảng 10.000 người tị nạn đến các quốc gia thành viên sẵn sàng tiếp nhận, trong khi những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn có thể đóng góp tài chính để được miễn trách nhiệm này. Đề xuất của Pháp được đưa ra trong những tuần cuối cùng đất nước hình lục lăng nắm giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU.
Nước Pháp cho rằng, thay vì cố gắng giải quyết sự chống đối của một số quốc gia, chủ yếu là những nước thành viên ở Đông Âu, các nước EU nên xem xét toàn bộ quy tắc về người tị nạn của khối theo cơ chế đoàn kết tự nguyện, trong thời gian thử nghiệm 12 tháng. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin (G.Đa-ma-nanh) bày
tỏ tự tin rằng kế hoạch này sẽ đạt được bước tiến lớn. Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Ylva Johansson (Y.Giô-han-xơn) cũng đánh giá cao đề xuất của Paris, trong bối cảnh EU đã mất nhiều tháng kêu gọi các nước thành viên thông qua một đề xuất cải cách sâu rộng về các chính sách liên quan tới vấn đề người tị nạn, song đến nay vẫn chưa thu được kết quả. Tuy vậy, đề xuất của Pháp vấp phải sự phản đối của một số quốc gia. Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner (G.Ca-nơ) cho rằng, động thái này sẽ tạo điều kiện cho những băng nhóm buôn người hoạt động mạnh hơn. Hà Lan cũng cho biết sẽ không tiếp nhận người xin tị nạn theo như đề xuất của Pháp.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas (M.Xki-nát) từng nhận định, dù EU đã có nguồn tài chính và năng lực xử lý tốt hơn so với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng di cư cách đây bảy năm, thì khối này vẫn chưa ban bố được một chính sách chung, công bằng về vấn đề người tị nạn. Trong khi đó, xung đột ở Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo và đe dọa dẫn tới bạo loạn xã hội tại châu Phi. Khi bất ổn xảy ra, một làn sóng di cư bùng nổ là điều khó tránh. Kết quả khảo sát tại 15 quốc gia trên toàn châu Phi cho thấy, đại dịch, biến đổi khí hậu và bạo lực khiến ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở châu Phi cảm thấy bi quan về tương lai và muốn di cư ra nước ngoài.
Tổ chức liên châu Phi "The Youth Cafe" có trụ sở tại Nairobi kêu gọi các chính phủ ở châu lục này cần tăng cường đầu tư phát triển cho thế hệ trẻ. Cùng với việc châu Âu khẩn trương tìm ra hướng tiếp cận khả thi cho vấn đề di cư nan giải, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân các nước châu Phi cũng là nhiệm vụ cấp thiết, bởi lẽ sự ổn định và phát triển ở châu Phi luôn gắn liền với tình hình an ninh của “lục địa già” ■