Châu Âu vẫn khó giải bài toán người di cư

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), số vụ vượt biên trái phép vào lãnh thổ các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2022 vượt mốc 330.000 vụ, con số cao nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, các thành viên EU vẫn loay hoay tìm tiếng nói chung về vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư từ các nước láng giềng và đối tác.
0:00 / 0:00
0:00
Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ REUTERS)
Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ REUTERS)

Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Malta và Slovakia cùng lên tiếng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) kiểm soát chặt chẽ hơn các đường biên giới chung của khối để ngăn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn khác.

Trong bức thư chung gửi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel, tám quốc gia thành viên nêu rõ thực trạng về làn sóng người nhập cư với số đơn xin tị nạn hiện cao hơn so với con số thống kê trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và 2016. Do vậy, các nước kêu gọi châu Âu khẩn trương đưa ra cách tiếp cận chung đối với tất cả tuyến đường di cư liên quan.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer kêu gọi EU tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng với những hàng rào để bảo vệ các đường biên giới bên ngoài châu Âu, đồng thời kêu gọi EU hỗ trợ tài chính cho giải pháp này. Trước đó, Thủ tướng Nehammer đã kêu gọi EU cung cấp 2 tỷ euro để xây dựng hệ thống bảo vệ ở đường biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

EU đã chi khoảng 6 tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối cho giai đoạn 2021-2027, song một số quốc gia, trong đó có Áo, tiếp tục kêu gọi Brussels tài trợ để tăng cường các hàng rào dọc biên giới bên ngoài của EU nhằm hạn chế dòng người tị nạn. EC lại giữ quan điểm xây dựng tường và hàng rào dây thép gai không phải là giải pháp phù hợp, dù không ít quan chức các nước cho rằng, nếu EC chi trả cho việc trang bị camera, xây tháp canh và các hạ tầng dọc biên giới sẽ khuyến khích các nước tự nguyện trích ngân sách quốc gia cho việc dựng rào chắn.

Áo được xem là "tiếng nói" đại diện cho ngày càng nhiều quốc gia thành viên kêu gọi EU có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với chính sách tị nạn. Trong khi đó, Đức là một trong số nước đề cập nhiều hơn về những lợi ích của việc di cư và từ chối xây dựng các hàng rào cứng cũng như không muốn gây sức ép đối với các nước xuất xứ của người di cư bằng cách rút viện trợ phát triển hoặc thị thực.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, ngày càng nhiều thành viên EU, trong đó có Đức, phụ thuộc nguồn lao động là những người nhập cư. Người đứng đầu Chính phủ Đức cho rằng, việc thống nhất ở Hội đồng Bộ trưởng EU về quy tắc xác định người di cư thông qua dữ liệu sinh trắc học là điều quan trọng đối với mọi hình thức cải cách hệ thống tị nạn của châu Âu.

EU đã chi khoảng 6 tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối cho giai đoạn 2021-2027, song một số quốc gia, trong đó có Áo, tiếp tục kêu gọi Brussels tài trợ để tăng cường các hàng rào dọc biên giới bên ngoài của EU nhằm hạn chế dòng người tị nạn.

Trong một tài liệu được công bố ngày 10/2 vào cuối Hội nghị cấp cao EU kéo dài tới 16 giờ, các nhà lãnh đạo của Liên minh Cờ xanh cùng nhấn mạnh tình trạng nhập cư trái phép gia tăng là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng trên toàn châu lục.

Nhất trí các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư trái phép, các nước thống nhất cho phép một quốc gia trong khối có thể sử dụng phán quyết của tòa án ở một quốc gia thành viên khác để trục xuất người di cư trái phép trở về nước xuất xứ. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn khả năng người di cư đến một quốc gia khác để xin tị nạn sau khi bị quốc gia đầu tiên từ chối tiếp nhận.

Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm khi dòng chảy người di cư không ngừng hướng về châu Âu. Theo Thủ tướng Italia Giorgia Meloni (G.Mê-lô-ni), một cam kết khả thi dựa trên các nguồn lực tài chính để triển khai tất cả biện pháp, từ kiểm soát biên giới đến chống buôn bán người, xây dựng các hành lang nhân đạo, hỗ trợ đầu tư, giáo dục, đào tạo, kinh doanh và việc làm tại các nước nghèo mới có thể giải quyết hiệu quả nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng di cư.1