Châu Âu trước áp lực di cư

Tình trạng căng thẳng hiện nay của làn sóng di cư ở châu Âu gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tồi tệ từng làm chao đảo Lục địa già hồi năm 2015. Ðáng nói là, lạm phát, cuộc chiến năng lượng, xung đột tại Ukraine đang khiến vấn đề di cư không được quan tâm thỏa đáng, dù có thể khiến bất ổn kinh tế-xã hội tại châu Âu thêm trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ REUTERS)
Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ REUTERS)

Hàng nghìn người tị nạn đang trú ẩn trong những thùng carton dựng trên đường phố ở thủ đô Brussels của Bỉ. Ở một số quốc gia châu Âu, các phòng tập thể dục, khán phòng... được mở cửa để những người tị nạn tá túc vào ban đêm.

Chia sẻ với tờ New York Times, anh Basharmal Mohammadi, một người di cư từ Afghanistan đến Bỉ cho biết, anh cùng bảy thanh niên Afghanistan sống dưới gầm cầu thang, chia nhau các thùng carton và một tấm đệm. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống lang bạt trên phố như thế này ở châu Âu...", anh Mohammadi cho biết.

Tình cảnh bế tắc của những người di cư đang phản ánh thực tế về tình trạng người di cư ở châu Âu, có thể gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống an sinh xã hội của nhiều quốc gia, song lại chưa thu hút được sự chú ý đúng mức của khu vực.

Làn sóng di cư trái phép vào châu Âu tăng cao kỷ lục trong năm 2022. Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, trong chín tháng qua, số vụ vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Số người đến EU thông qua tuyến đường Balkan cao gấp ba lần so với mức cùng kỳ năm 2021 và gấp 10 lần so với mức năm 2018. Số người tìm cách vượt Ðịa Trung Hải đến EU cũng tăng đột biến với hơn 42.500 người, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021. Hệ thống xử lý vấn đề người di cư của một số quốc gia châu Âu đang bị quá tải.

Tình cảnh bế tắc của những người di cư đang phản ánh thực tế về tình trạng người di cư ở châu Âu, có thể gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống an sinh xã hội của nhiều quốc gia, song lại chưa thu hút được sự chú ý đúng mức của khu vực.

Giới chuyên gia cho biết, sự xuất hiện của ngày càng nhiều người xin tị nạn gây áp lực lên nguồn nhà ở vốn khan hiếm tại Pháp, Bỉ, Hà Lan... Quốc vụ khanh phụ trách tị nạn và nhập cư của Bỉ Nicole de Moor thừa nhận, áp lực di cư đang đè nặng lên một số nước EU.

Làn sóng di cư trái phép vào châu Âu tăng cao kỷ lục trong năm 2022. Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, trong chín tháng qua, số vụ vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Số người đến EU thông qua tuyến đường Balkan cao gấp ba lần so với mức cùng kỳ năm 2021 và gấp 10 lần so với mức năm 2018. Số người tìm cách vượt Ðịa Trung Hải đến EU cũng tăng đột biến với hơn 42.500 người, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Lý giải về sự gia tăng làn sóng di cư tới châu Âu, giới chuyên gia nhận định, căn nguyên là do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19, cùng những căng thẳng, xung đột leo thang ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các khu vực liên quan EU. Bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, dịch bệnh, thất nghiệp, thiên tai… càng khiến nhiều người muốn rời bỏ quê hương để tìm đến miền đất hứa. Châu Âu hiện tại cũng chao đảo trong hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen song dòng người di cư kéo về châu lục này vẫn tăng mạnh. Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Ylva Johansson lý giải, những người di cư thật sự cảm thấy không an toàn khi ở lại quê hương.

Dù là một vấn đề gây nhức nhối song cuộc khủng hoảng di cư lại rất hiếm khi được đề cập trong chương trình nghị sự các cuộc họp của EU năm nay, do sự chú ý đã đổ dồn tới hàng loạt thách thức khác, như lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng trầm trọng, đời sống người dân bấp bênh...

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (A.Cru) nhấn mạnh: Châu Âu đang ở trong một cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhưng người ta ít chú ý đến nó bởi có đến vài cuộc khủng hoảng khác xảy ra cùng lúc.

Những năm qua, bài toán di cư vẫn là thách thức lớn và dai dẳng, gây chia rẽ sâu sắc nội bộ EU. Các nước Trung và Ðông Âu như CH Séc, Slovakia, Romania, Hungary phản đối kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư của EU. Italia, một trong những điểm đến chính của những người di cư từ Bắc Phi, đang áp dụng chính sách mạnh tay theo cam kết tranh cử của nữ Thủ tướng Giorgia Meloni. Cách đây ít ngày, chính phủ mới của Italia đóng cửa các cảng đối với tàu cứu hộ do các tổ chức phi chính phủ điều hành và nhấn mạnh rằng, những quốc gia có tàu treo cờ phải có trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Ðiều này có nguy cơ dẫn đến tranh cãi pháp lý giữa các nước và khiến lượng người vượt biên tăng mạnh ở các quốc gia ven Ðịa Trung Hải khác, như Tây Ban Nha, tương tự kịch bản xảy ra năm 2018.

Giới chức châu Âu cảnh báo, dòng người di cư trái phép tới châu Âu còn tăng mạnh vào năm 2023. Giữa lúc hàng loạt khó khăn bủa vây, giới lãnh đạo Lục địa già tiếp tục đau đầu xử lý hệ lụy của cuộc khủng hoảng di cư, nhất là những áp lực về mặt an ninh và an sinh xã hội ■