Giới phân tích nhận định, việc chính phủ liên minh cầm quyền nhất trí về dự thảo ngân sách năm 2025 giúp Berlin trút được một gánh nặng, bởi những tranh cãi kéo dài liên quan kế hoạch chi tiêu và vay nợ từng là nguy cơ lớn đe dọa làm suy yếu liên minh cầm quyền tại Đức. Tổng ngân sách cho năm 2025 được ba đảng trong liên minh cầm quyền thống nhất là 480,6 tỷ euro. Mặc dù thấp hơn khoảng 8 tỷ euro so ngân sách năm 2024, song Berlin đã phân bổ số tiền kỷ lục, lên tới 78 tỷ euro trong ngân sách năm 2025 cho các khoản đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nhận định, dự thảo ngân sách mới là sự khởi đầu của bước ngoặt kinh tế tại Đức, vì dự thảo bao gồm một số chính sách kích thích tăng trưởng nhằm đưa Đức trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Cùng với ngân sách mới, gói sáng kiến bao gồm 49 biện pháp củng cố nền kinh tế dự kiến sẽ được Berlin triển khai vào cuối năm nay. Theo đó, Đức sẽ giảm bớt gánh nặng giá điện cao cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Dự thảo ngân sách năm 2025 được thông qua trong bối cảnh nỗ lực cải thiện nền kinh tế của Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Theo giới phân tích, cơn bão lạm phát đã được xoa dịu. Số liệu sơ bộ do Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát giảm trong tháng 6 vừa qua. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí lần đầu tiên sau hơn ba năm, lạm phát có thể giảm xuống dưới mức 2% vào tháng 8 tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, thông qua các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng và phát triển nguồn năng lượng mới, Berlin đã vượt qua những khó khăn do tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga gây ra. Những bước đi quyết liệt này đã giúp giảm giá năng lượng và ghìm cương đà tăng phi mã của lạm phát.
Với kết quả tích cực nêu trên, trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế. DIW đánh giá kinh tế Đức đang phục hồi chậm, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 0,3% trong năm 2024 và 1,3% năm 2025. IMF khẳng định, nền kinh tế Đức đã bắt đầu phục hồi sau cú sốc giá năng lượng và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế Geraldine Dany-Knedlik thuộc DIW nhấn mạnh, tất cả tín hiệu đều cho thấy tốc độ phục hồi khả quan của nền kinh tế Đức. Lĩnh vực tiêu dùng cá nhân đóng vai trò quyết định đối với quá trình phục hồi kinh tế. Ngoài ra, thu nhập thực tế tăng, thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát giảm giúp củng cố sức mua của người dân. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu cũng mang lại những động lực tích cực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang được cải thiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế đầu tàu châu Âu cũng đối mặt nhiều “cơn gió ngược”, trong đó cơn khát lao động lành nghề là một trong những thách thức hàng đầu đe dọa kéo lùi đà tăng trưởng. Báo cáo vừa được IMF công bố khẳng định, già hóa dân số nhanh chóng có thể làm tăng chi phí lương hưu và chăm sóc sức khỏe, đồng thời kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế Đức trong trung hạn. Thiếu lao động chất lượng cao cũng là mối đe dọa đối với mục tiêu đổi mới công nghệ của Đức.
Hiệp hội Công nghiệp công nghệ cao của Đức khẳng định, khoảng trống về nhân sự đang ngày càng kéo lùi khả năng cạnh tranh và đổi mới. Hậu quả đang hiện hữu rõ ràng khi thiếu hụt lao động là một trong những nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nghiên cứu gần đây của DIW dự báo, sản lượng kinh tế năm 2024 có thể giảm đến 49 tỷ euro do thiếu lao động kéo dài. Giải quyết tình trạng thiếu lao động cũng là một trong những vấn đề được các nhà lãnh đạo Đức đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng dự thảo ngân sách năm 2025.
Giới phân tích nhận định, nền kinh tế Đức đang dần bước qua giai đoạn khó khăn do lạm phát tăng, sản xuất giảm và nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu. Dự thảo ngân sách mới được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy vững chắc, giúp nền kinh tế hàng đầu châu Âu bứt phá thành công và lấy lại đà tăng trưởng bền vững.