Bức tranh kinh tế ảm đạm của Mỹ Latin

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (ECLAC) của Liên hợp quốc vừa đưa ra 80 khuyến nghị trên bảy trục hành động nhằm giúp khu vực này thoát “bẫy tăng trưởng thấp”.
Người dân Mỹ Latin và Caribe thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. (Ảnh Clarín)
Người dân Mỹ Latin và Caribe thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. (Ảnh Clarín)

Khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế tại khu vực Mỹ Latin và Caribe dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,9% trong năm 2024, thấp hơn so mức 2,1% của năm 2023 do khu vực kinh tế gồm 33 quốc gia này đã không tận dụng được những cơ hội mang lại từ quá trình chuyển đổi cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bức tranh kinh tế ảm đạm khiến Mỹ Latin gặp nhiều thách thức trong nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển.

Với bẫy tăng trưởng thấp, trong thập kỷ từ 2014 đến 2023, khu vực Mỹ Latin và Caribe chỉ tăng trưởng trung bình 0,9% mỗi năm, thấp hơn mức 2% của cái gọi là “thập kỷ mất mát” của những năm 80 của thế kỷ trước. Nói cách khác, khu vực đã đi qua một thập kỷ thứ 2 thậm chí còn mất mát nhiều hơn về tăng trưởng. Mặc dù là khu vực bao gồm 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latin và Caribe trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 6,3 nghìn tỷ USD, chỉ cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ USD so với Ðức hay Nhật Bản.

Các nguyên nhân chính của tình trạng trên bao gồm chi phí vốn cao, chất lượng giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, cơ sở hạ tầng kém phát triển và tình trạng chính trị bất ổn. Hiện đang tồn tại tình trạng mất cân đối tài chính và nợ nần tại khu vực Mỹ Latin và Caribe, với tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên 62,8% vào năm 2024, so mức 59,1% ở cấp khu vực vào năm 2019, làm giảm biên độ chi tiêu công. Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ chỉ đạt 2,6% trong năm 2025, thấp hơn mức 2,7% dự báo đưa ra hồi đầu năm 2024 do nhiều quốc gia vẫn áp thuế ở mức cao đối với khu vực đầu tư-sản xuất, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của hai lĩnh vực nòng cốt của nền kinh tế.

Trước nguy cơ Mỹ Latin và Caribe bị mắc kẹt trong bẫy tăng trưởng thấp, ECLAC đã đưa ra các khuyến cáo về các cơ chế quản trị trong khu vực cũng như năng lực kỹ thuật, hoạt động và các chính sách của các tổ chức phụ trách chính sách đối với những chuyển đổi cần thiết. Các công thức do ECLAC đưa ra nhằm làm nổi bật các lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế như ngành dược phẩm, khoa học đời sống và thiết bị y tế, dịch vụ, chính phủ kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng, du lịch bền vững và nền kinh tế tuần hoàn.

Với bẫy tăng trưởng thấp, trong thập kỷ từ 2014 đến 2023, khu vực Mỹ Latin và Caribe chỉ tăng trưởng trung bình 0,9% mỗi năm, thấp hơn mức 2% của cái gọi là “thập kỷ mất mát” của những năm 80 của thế kỷ trước. Nói cách khác, khu vực đã đi qua một thập kỷ thứ 2 thậm chí còn mất mát nhiều hơn về tăng trưởng. Mặc dù là khu vực bao gồm 33 quốc gia và vùng lãnh thổ,

Trong báo cáo “Toàn cảnh về chính sách phát triển sản xuất ở khu vực Mỹ Latin và Caribe 2024”, ECLAC chỉ ra rằng, phân bổ nguồn lực công trong các chính sách phát triển sản xuất của các quốc gia trong khu vực chỉ tương đương mức từ 0,2 đến 1,2% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 3,5% GDP của một số quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Thư ký điều hành của ECLAC Jose Manuel Salazar-Xirinachs đánh giá rằng, những nỗ lực mà khu vực Mỹ Latin và Caribe đang thực hiện về chính sách phát triển sản xuất là không đáng kể so với thách thức về năng suất mà khu vực này phải đối mặt và so với những gì các nước khác đang thực hiện.

Nền kinh tế Mỹ Latin và Caribe hứng chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, những căng thẳng địa chính trị và thương mại trên toàn cầu cũng như trong khu vực. Ðây là các yếu tố tác động xấu đến quỹ đạo tăng trưởng của khu vực. Các chuyên gia hy vọng đến năm 2025, kinh tế trung bình của toàn khu vực sẽ khởi sắc và dự kiến tăng trưởng 2,3%, chủ yếu nhờ tăng trưởng GDP của khu vực Nam Mỹ.

Năm nay, các nền kinh tế ở Nam Mỹ được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,5%, trong khi khu vực Caribe sẽ tăng trưởng 2,6%, Trung Mỹ và Mexico là 2,2%. Tăng trưởng mạnh mẽ là nhiệm vụ hàng đầu của khu vực nhằm ứng phó những thách thức về môi trường, xã hội và lao động.

Theo các chuyên gia, để giải quyết bẫy tăng trưởng thấp, chính phủ các nước trong khu vực cần đạt được sự chuyển đổi trong các mô hình phát triển, nâng cao năng suất và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tăng cường các chính sách phát triển năng suất đi kèm với chính sách kinh tế vĩ mô, lao động, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.