Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này tăng 55,2% trong năm 2022, lên mức kỷ lục hơn 224 tỷ USD, nhờ sự tăng trưởng của tất cả loại hình đầu tư, nhất là tái đầu tư lợi nhuận và sự gia tăng đầu tư vào ngành dịch vụ.
Kể từ năm 2013, dòng vốn FDI vào các nước Mỹ Latin và Caribe chưa từng vượt quá 200 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, quá trình phục hồi thuận lợi sau đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính trong đà tăng trưởng này, cùng với đó là sự gia tăng tỷ trọng giữa FDI và GDP khu vực (gần 4%).
Cũng theo báo cáo của CEPAL, hầu hết các quốc gia ở khu vực Mỹ Latin và Caribe đều thu hút được nhiều vốn FDI hơn năm 2021. Brazil dẫn đầu với 41% tổng vốn đầu tư vào khu vực, đứng thứ 5 trong danh sách điểm đến FDI toàn cầu, kế đến là Mexico (17%), Chile (9%), Colombia (8%), Argentina (7%) và Peru (5%).
Costa Rica là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực Trung Mỹ, trong khi Guatemala ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Còn tại khu vực Caribe, Guyana là nước nhận nhiều vốn FDI nhất, theo sau là Cộng hòa Dominicana.
Các thống kê cho thấy, khoảng 54% số vốn FDI đầu tư cho khu vực Mỹ Latin và Caribe đổ vào ngành dịch vụ, bên cạnh lĩnh vực sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hai nhà đầu tư hàng đầu lần lượt là Mỹ (với khoảng 38% tổng số vốn FDI) và Liên minh châu Âu (ngoại trừ Hà Lan và Luxembourg), chiếm 17%.
Các thống kê cho thấy, khoảng 54% số vốn FDI đầu tư cho khu vực Mỹ Latin và Caribe đổ vào ngành dịch vụ, bên cạnh lĩnh vực sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, nguồn FDI từ các nước trong cùng khu vực cũng tăng đáng kể, từ 9% lên 14%. Trong năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latin đạt mức kỷ lục hơn 74 tỷ USD, mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi loại hình này xuất hiện cách đây gần 30 năm.
Riêng với Mexico, tổng số vốn FDI thu hút được chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023 đã lên tới khoảng 40 triệu USD.
Theo dự báo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings, nếu duy trì tốc độ thu hút FDI như hiện nay, Mexico sẽ chiếm khoảng 50% tổng số vốn FDI tại khu vực Mỹ Latin trong vòng hai năm tới, với các lĩnh vực chủ đạo gồm sản xuất, chế tạo, logistics và dịch vụ vận tải.
Thành quả này đến từ xu hướng chuyển đầu tư sản xuất về gần, nhất là giai đoạn hậu Covid-19, khi các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển hoạt động từ các nơi khác trên thế giới đến Mexico nhằm tận dụng vị trí gần với Mỹ, trung tâm sản xuất và tiêu dùng hàng đầu trên thế giới.
Mỹ Latin và Caribe đang là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất trong sản xuất và cung cấp năng lượng tái tạo, một trong các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất vào thị trường này.
Mỹ Latin và Caribe đang là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất trong sản xuất và cung cấp năng lượng tái tạo, một trong các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất vào thị trường này.
Bolivia mới đây đã đạt thỏa thuận đầu tư sản xuất lithium có tổng trị giá 1,4 tỷ USD với hai tập đoàn Rosatom của Nga và CITIC Guoan của Trung Quốc. Các thỏa thuận này sẽ giúp Bolivia đạt mục tiêu nâng sản lượng lithium carbonate lên 100.000 tấn vào năm 2025.
Bộ trưởng Năng lượng Bolivia Franklin Molina cho biết, số vốn 1,4 tỷ USD sẽ được dùng để xây các nhà máy xử lý chiết xuất lithium trực tiếp (DLE) tại khu vực tây nam nước này, với công suất dự kiến 45.000 tấn lithium carbonate/năm.
Bolivia là quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, với khoảng 21 triệu tấn. Do thiếu vốn đầu tư và công nghệ, quốc gia Nam Mỹ này gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất lithium ở quy mô công nghiệp, cũng như phát triển các nguồn cung cấp sản phẩm khả thi về mặt thương mại.
Nguồn vốn FDI đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, tạo điều kiện giúp Bolivia tối ưu hóa công nghệ trong khai thác và sản xuất năng lượng sạch.
Dù có nhiều triển vọng khả quan, tuy nhiên Thư ký điều hành CEPAL José Manuel Salazar-Xirinachs cũng lưu ý, thách thức hiện nay đối với khu vực Mỹ Latin và Caribe không chỉ là thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, mà còn làm sao để tối đa hóa đóng góp của FDI vào phát triển.
Các quốc gia trong khu vực cần quan tâm đến các chính sách nhằm thúc đẩy chuỗi sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, củng cố cơ sở hạ tầng, hậu cần và xây dựng năng lực địa phương. Trong số này, chuyển đổi năng lượng sẽ là một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.