BRICS khởi đầu năm 2025 bằng một bước tiến ngoạn mục với sự gia nhập của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đồng thời là nền kinh tế hàng đầu khu vực Ðông Nam Á, cùng các đối tác mới trải dài trên khắp các châu lục: Á, Âu, Mỹ, Phi. Sự mở rộng này được ví như những cánh tay nối dài, giúp BRICS vươn tầm ảnh hưởng ra hầu hết khu vực trên thế giới.
Với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, dân số hơn 280 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế thường duy trì ở mức hơn 5%/năm trong thập niên qua, Indonesia được coi là một thị trường mới nổi năng động với nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, Indonesia và BRICS cùng chia sẻ quan điểm về nỗ lực cải cách hệ thống quản trị toàn cầu và tăng cường hợp tác sâu rộng ở khu vực nam bán cầu. Vì vậy, sự gia nhập của Indonesia được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh để BRICS tiếp tục khẳng định vị thế trong quá trình hình thành trật tự quốc tế đa cực mới.
Ðối với Indonesia, chính thức trở thành thành viên ngôi nhà chung BRICS cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Jakarta. Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, cột mốc này thể hiện vai trò tích cực của Indonesia trong thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời tăng cường tiếng nói của các nước nam bán cầu trong hệ thống quản trị toàn cầu. Các nội dung hợp tác trong BRICS cũng phù hợp với chương trình nghị sự của Indonesia, nhất là về an ninh lương thực, năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực. Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia Arsjad Rasjid coi đây là thời khắc lịch sử, mở ra cơ hội để Indonesia thâm nhập nhiều thị trường mới nổi thuộc BRICS.
Không chỉ Indonesia, các nước đối tác mới của BRICS cũng hưởng lợi đáng kể khi thắt chặt sợi dây gắn kết với nhóm này. Ðối với Cuba, BRICS mang đến cơ hội quan trọng để phá vỡ hàng rào phong tỏa kinh tế kéo dài nhiều thập niên qua. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel khẳng định, BRICS thắp lên hy vọng lớn cho các quốc gia ở Nam Bán cầu trong cuộc đấu tranh vì một trật tự quốc tế công bằng hơn. Trong khi đó, Bolivia tìm thấy ở BRICS cơ hội mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng thống Bolivia Luis Arce nhấn mạnh, việc tiếp cận các thị trường khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Ðộ mở ra cơ hội chưa từng có để Bolivia phát triển những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, thương mại, công nghệ cao, công nghiệp và tài chính bền vững.
Thời gian qua, BRICS không ngừng gia tăng sức hút khi tiếp tục khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu. Trước khi Indonesia gia nhập, BRICS đã chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và hơn 41% GDP thế giới. Nhiều thành viên BRICS là các nhà sản xuất hàng đầu những mặt hàng thiết yếu như dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, thịt và khoáng sản quan trọng như quặng sắt, đồng và niken. Việc chính thức đón nhận thêm ba cường quốc dầu mỏ là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iran hồi đầu năm 2024 đã giúp BRICS quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới và trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhờ sự đa dạng với các thành viên và đối tác đến từ nhiều khu vực trên thế giới, BRICS cũng là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của các quốc gia đang phát triển và mới nổi trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những lợi ích, việc liên tục mở rộng cũng đặt ra thách thức đối với BRICS, nhất là khi một số nước thành viên phát triển không đồng đều về kinh tế.
Với sự mở rộng ngày càng mạnh mẽ, BRICS đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi sâu rộng đối với nền kinh tế và hệ thống quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hợp tác trong khuôn khổ BRICS đồng thời mở ra cơ hội để các nước đang phát triển khẳng định vị thế trên trường quốc tế.