Báo cáo do tổ chức nhân đạo Christian Aid mới công bố cho thấy, trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu nghiêm trọng trên toàn cầu đã vượt 230 tỷ USD.
Dựa trên dữ liệu từ các tổ chức uy tín như Aon, RBC Capital và Morningstar DBRS, báo cáo chỉ ra rằng, trong khi tổn thất tài chính tập trung nhiều ở các quốc gia giàu có, gánh nặng nhân đạo lại nghiêng về các nước nghèo.
Cụ thể, tại Mỹ, bão Milton và bão Helene đã gây thiệt hại lần lượt 60 tỷ USD và 55 tỷ USD, trong khi một loạt cơn bão khác không được xếp loại, nhưng vẫn gây tổn thất tương đương.
Báo cáo do tổ chức nhân đạo Christian Aid mới công bố cho thấy, trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu nghiêm trọng trên toàn cầu đã vượt 230 tỷ USD.
Ở châu Á, lũ lụt tại Trung Quốc từ tháng 6 đến tháng 7 đã gây thiệt hại 15,6 tỷ USD; trong khi bão Yagi quét qua Philippines, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan hồi tháng 9 gây tổn thất 12,6 tỷ USD. Châu Âu cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bão Boris ở khu vực Trung Âu và lũ lụt tại Tây Ban Nha, cũng như tại Đức, đã gây thiệt hại tổng cộng 13,87 tỷ USD.
Tại các quốc gia có thu nhập thấp, do sự hạn chế về bảo hiểm, những thiệt hại tài chính thường không được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, thiệt hại về người và những tác động tới các cộng đồng dân cư rất nặng nề. Ở châu Phi, lũ lụt tại khu vực Tây Phi trong các tháng 8 và 9 đã ảnh hưởng tới 6,6 triệu người ở Nigeria, Cộng hòa Chad và Niger. Tại khu vực phía nam châu Phi, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử từ tháng 2 đến tháng 7 đã ảnh hưởng 14 triệu người ở Zambia, Malawi, Namibia và Zimbabwe. Giám đốc điều hành Christian Aid Patrick Watt cho biết, những thảm họa thiên nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới người nghèo ở các nước thu nhập thấp, bởi họ có ít tài sản, bảo hiểm hạn chế và khó tiếp cận dịch vụ công cộng.
Giáo sư Davide Faranda, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khí hậu Pierre Simon Laplace (Pháp) khẳng định, biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân gốc rễ làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới đang phải đối mặt. Biến đổi khí hậu bao gồm hiện tượng ấm lên toàn cầu do các hoạt động của con người gây ra và các tác động của nó lên hệ thống khí hậu, thời tiết Trái đất. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là carbon dioxide (CO2) và methane (CH4). Việc đốt nhiên liệu hóa thạch phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng thải ra phần lớn các loại khí này. Hoạt động nông nghiệp, quá trình sản xuất thép, xi-măng... cũng là những nguồn phát thải khí nhà kính. Diện tích rừng suy giảm cản bước nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia.
Con người đang đón nhận “quả đắng” do chính mình gây ra, tự đẩy mình rơi vào nhiều “vòng luẩn quẩn” của lối sống tiêu thụ lãng phí, không thân thiện với môi trường và làm tổn hại chính mình. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, tình hình vẫn còn có thể thay đổi được nếu thế giới hành động ngay lập tức.
Thực tế, nhiều cam kết đã được các quốc gia đưa ra nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đặt mục tiêu mới là vào năm 2035 sẽ cắt giảm từ 61-66% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 2005, nhằm thúc đẩy thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Các quan chức và chuyên gia của Nhật Bản mới đây cũng nhất trí về lộ trình giảm lượng khí thải nhà kính nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Song, giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng, những kế hoạch đầy tham vọng mà các quốc gia đặt ra không dễ thực hiện, bởi cùng lúc phải cân bằng giữa mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu không còn là một vấn đề trong tương lai xa xôi, mà đã trở thành một thực tế khắc nghiệt, hành động khẩn cấp là yêu cầu cấp thiết với mọi quốc gia, nhằm giảm rủi ro, bảo vệ cuộc sống người dân và bảo đảm phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau ■