Bầu không khí ảm đạm bao trùm khu vực miền đông nước Đức, nơi diễn ra vụ lao xe kinh hoàng khiến ít nhất 5 người chết và hơn 200 người bị thương ngay trước thềm Giáng sinh. Trong năm 2024, nước Đức từng chứng kiến các vụ tấn công bằng dao, khiến quốc gia châu Âu này buộc phải siết chặt quy định về sở hữu vũ khí. Nhiều cuộc tấn công cũng xảy ra ở các khu vực khác nhau, trong đó phải kể đến vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall của Nga hồi tháng 3/2024 khiến gần 150 người thiệt mạng, gây rúng động dư luận và để lại nỗi đau không gì có thể bù đắp được cho gia đình các nạn nhân.
Phần lớn các vụ tấn công nêu trên đều liên quan đến những đối tượng mang tư tưởng cực đoan và thổi bùng lại những tranh cãi lâu nay về kiểm soát người nhập cư. Tại các nước châu Âu, kể từ làn sóng người nhập cư khổng lồ hồi năm 2015 liên quan tình hình Trung Đông, tâm lý dân tộc chủ nghĩa, kỳ thị và bài nhập cư vẫn luôn âm ỉ trong một bộ phận người dân. Đây cũng là yếu tố dẫn đến hàng loạt diễn biến chính trị mang tính bước ngoặt ở châu Âu, nổi bật là việc đông đảo cử tri Anh chọn đưa nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nga bắt giữ 12 nghi phạm âm mưu thực hiện khủng bố quy mô lớn
Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với chủ trương siết chặt chính sách nhập cư đang ngày càng nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận người dân. Một minh chứng là sau vụ tấn công bằng dao xảy ra ở nước này vào tháng 8/2024 với thủ phạm là người xin tị nạn, đảng cực hữu AfD giành được chiến thắng lịch sử ở hai bang miền đông là Sachsen và Thuringen trong cuộc bầu cử địa phương của nước này. Với vụ tấn công gần đây ở chợ Giáng sinh tại thành phố Magdeburg của Đức, nghi phạm vụ tấn công cũng từng đăng tải trên mạng xã hội những bài viết thể hiện quan điểm cực đoan trong vài tháng qua, trong đó có những phát ngôn bài Hồi giáo và ủng hộ đảng AfD cực hữu.
Trên các nền tảng mạng xã hội, sự thù hận và tư tưởng cực đoan đang gia tăng với tốc độ đáng sợ. Mới đây, liên minh tình báo Five Eyes (gồm năm nước là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) cảnh báo về số lượng trẻ em bị “cực đoan hóa” trên không gian mạng ngày càng tăng. Tổ chức Tình báo an ninh Australia (ASIO) cho biết, khoảng 20% số vụ chống khủng bố trong danh sách ưu tiên của họ liên quan đến những người trẻ tuổi.
Không khó để lý giải tâm lý bất mãn của một bộ phận người dân nhằm vào người nhập cư ở châu Âu, khi các chính phủ phải gánh chịu mức chi phí lớn dành cho người xin tị nạn, còn người dân lại đang chật vật với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Sự phát triển của truyền thông xã hội với mặt trái là lan truyền thông tin sai lệch cũng châm ngòi cho làn sóng bài trừ, tâm lý nghi kỵ, phân biệt với người nhập cư. Đây là lỗ hổng để các nhóm cực đoan lợi dụng nhằm tìm cơ hội thực hiện các vụ tấn công. Bộ Nội vụ Đức thông báo, trong năm 2023, tỷ lệ tội phạm có động cơ chính trị tại nước này đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận mức cao kỷ lục là 60.028 vụ. Giới chức nước này nhấn mạnh cần phải bảo vệ người dân trước những mối đe dọa phân biệt chủng tộc và thù địch, chủ nghĩa bài Do thái, bạo lực Hồi giáo.
Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới vẫn chìm trong xung đột và làn sóng di cư chạy trốn giao tranh chưa có dấu hiệu lắng dịu, châu Âu vẫn đứng trước bài toán khó, giữa một bên là bảo đảm an ninh, ổn định cho quốc gia và một bên là hoàn thành trách nhiệm nhân đạo quốc tế. Thực tế cho thấy, giải pháp hiệu quả cho cuộc chiến chống khủng bố không thể chỉ đến từ các biện pháp trấn áp và kiểm soát biên giới mà còn phải đến từ tinh thần hòa giải, chung tay xây dựng xã hội hòa bình.