Thế nhưng, giữa những ngổn ngang thách thức, vẫn có những lý do để giới lãnh đạo các nước kỳ vọng rằng năm 2025 sẽ đánh dấu khởi đầu mới của một thế giới gắn kết hơn.
Các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi, Ukraine… chắc chắn tiếp tục là mối đe dọa an ninh toàn cầu. Theo Trung tâm Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột năm 2024 tăng 30% so với năm 2023.
Báo cáo mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định, trong năm mới, môi trường hòa bình, an ninh quốc tế tiếp tục gặp nhiều biến động. Khép lại năm 2024 nhiều đau thương, mất mát, bước sang năm 2025, thế giới vẫn tiếp tục bị chi phối bởi hệ lụy của các cuộc xung đột, bất ổn. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực về nỗ lực hợp tác, chung sức giải quyết khó khăn và tinh thần đối thoại, hòa hoãn đã dần xuất hiện, dù còn khá mong manh.
Các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi, Ukraine… chắc chắn tiếp tục là mối đe dọa an ninh toàn cầu. Theo Trung tâm Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột năm 2024 tăng 30% so với năm 2023.
Mọi sự chú ý hiện đang dồn về chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố mạnh mẽ rằng sau khi trở lại nắm quyền sẽ điều chỉnh cách tiếp cận của Xứ Cờ hoa với các điểm nóng quân sự hiện nay, theo hướng giảm bớt sự can thiệp của Washington và thúc đẩy vai trò các đồng minh.
Ông Donald Trump từng nhiều lần đề cập khả năng nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm qua ở Ukraine; tuyên bố sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tìm cách sớm kết thúc những căng thẳng dai dẳng này. Tia hy vọng đã được nhen nhóm khi Nga và Ukraine vừa tiến hành trao đổi hơn 300 tù binh trong một thỏa thuận do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm trung gian.
Liên quan “chảo dầu” Trung Đông không ngừng sục sôi, trang mạng eurasiareview.com cho rằng, sự trở lại ghế nóng tổng thống Mỹ của ông Donald Trump sẽ mở ra một chương phức tạp mới trong cuộc chiến ở Dải Gaza, bởi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã có những bước đi đơn phương ủng hộ Israel, nổi bật là việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, gây ra làn sóng bất mãn trong lòng người Palestine nói riêng và người Hồi giáo nói chung.
Tương lai của Trung Đông vẫn còn là ẩn số, còn ở hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chạy đua với thời gian để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, ghi dấu ấn cuối cùng trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc trong tháng này.
Xung đột bùng nổ ở Dải Gaza kể từ tháng 10/2023 đến nay làm gia tăng sự thù hận trên toàn cầu, kéo theo gia tăng các vụ tấn công khủng bố theo kiểu “sói đơn độc”, trong đó có vụ tấn công nhằm vào đám đông ngay trong ngày đầu tiên của năm 2025 ở thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana, Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” rất khó ngăn chặn vì thường thiếu các dấu vết liên lạc mà cơ quan tình báo có thể dựa vào để đập tan các âm mưu.
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, một thách thức an ninh khác là sự gia tăng tội phạm mạng cả về quy mô, phạm vi và mức độ phức tạp. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng, còn gọi là “Công ước Hà Nội”, vào cuối năm 2024 sau nhiều năm đàm phán đã tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chung của cộng đồng quốc tế, nhằm đẩy lùi mối đe dọa từ những kẻ thù vô hình trên không gian mạng.
Trước hàng loạt thách thức đan xen, việc các nước tăng cường biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ, chia sẻ thông tin và phối hợp truy quét tội phạm là hết sức quan trọng; song, trên tất cả, tinh thần đoàn kết, hòa giải, sẵn sàng đặt an toàn, tính mạng của người dân lên hàng đầu mới là yếu tố cốt lõi giúp giải quyết hiệu quả các thách thức này, bởi dùng bạo lực để trả đũa bạo lực sẽ chỉ tạo ra những vòng xoáy hận thù không hồi kết.