Đối thoại, tránh đối đầu

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng thảo luận các vấn đề thương mại, trong đó có năng lượng, với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau khi ông Trump cảnh báo trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social về khả năng áp thuế EU nếu khối này không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 5 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tại Washington, DC ngày 30/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 5 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tại Washington, DC ngày 30/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

EU muốn tránh một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế số một thế giới và mong muốn có sự hợp tác tốt hơn là chiến lược trả đũa thuần túy, vốn có thể dẫn đến quá trình “ăn miếng trả miếng” mà không bên nào thật sự là người chiến thắng.

Từng chỉ trích mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với EU, ngay sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã công bố kế hoạch áp mức thuế từ 10 đến 25% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada và dự kiến sẽ có động thái tương tự đối với hàng hóa EU. Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, dự kiến nhậm chức vào tháng 1/2025, cảnh báo sẽ áp thuế quan đối với EU nếu khối này không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ để thu hẹp khoảng cách thương mại lớn giữa hai bên.

Ông Trump cho biết, ông đã yêu cầu EU bù đắp mức thâm hụt thương mại lớn của khối này với Mỹ bằng cách mua khối lượng lớn dầu và khí đốt của Mỹ, nếu không Washington sẽ áp đặt thuế quan. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, trong năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Mỹ đạt 553,3 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang EU đạt 350,8 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại của Mỹ với EU lên tới 202,5 tỷ USD.

Mặc dù Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa với EU, song Mỹ lại đạt thặng dư trong dịch vụ. Theo Eurostat, trong năm 2023, thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ và EU là 155,8 tỷ euro, song lại đạt thặng dư 104 tỷ euro trong dịch vụ. Trong bối cảnh đó, EU nhấn mạnh rằng, Mỹ cũng đang hưởng thặng dư thương mại dịch vụ đáng kể so với EU, đồng thời khẳng định khối 27 quốc gia thành viên sẵn sàng đàm phán với Mỹ.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Olof Gill nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống đắc cử Donald Trump về cách thức chúng tôi có thể củng cố mối quan hệ vốn đã bền chặt, trong đó có việc thảo luận về lợi ích chung của chúng tôi trong lĩnh vực năng lượng”. Tuyên bố này cho thấy phía EU đang bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán với Mỹ thay vì các biện pháp trả đũa có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, cuộc chiến thương mại nói chung không vì lợi ích của bất kỳ ai và sẽ dẫn đến sự suy giảm GDP toàn cầu. Tác động tiềm tàng từ thuế quan của Mỹ đối với tình trạng lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là không chắc chắn, phụ thuộc vào mức thuế quan, đối tượng cũng như thời gian áp thuế, và có thể dẫn đến lạm phát ròng trong ngắn hạn.

Bà Christine Lagarde cho rằng, EU nên đề nghị mua một số hàng hóa nhất định từ Mỹ, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thiết bị quốc phòng. Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề nghị Mỹ cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho EU nhằm thay thế nguồn năng lượng của Nga.

Căng thẳng thương mại Mỹ và EU trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump từ năm 2017 đến 2021 đã liên tục leo thang kể từ sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm, 25% đối với thép nhập khẩu từ EU vào tháng 6/2018 và EU đáp trả bằng việc đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ. Những đòn đáp trả thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đã gây ra những tổn thất lớn cho cả hai bên.

Dư luận thế giới lo ngại, chính sách cứng rắn mà ông Donald Trump áp dụng sau khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống sẽ tác động mạnh tới dòng chảy thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nhiều quốc gia, đồng thời tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng về quan hệ thương mại trong nhiệm kỳ hai của ông Donald Trump, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án và xây dựng kế hoạch phòng ngừa cho tình huống xấu nhất, các nhà lãnh đạo EU đang hướng tới đàm phán, tránh đối đầu căng thẳng trong vấn đề thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.