Nỗ lực cứu trợ nhân đạo bị cản trở

Tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều nơi trở nên trầm trọng hơn càng đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Song, thực tế lại trái ngược với kỳ vọng, khi một số quốc gia quyết định giảm nguồn lực cho cuộc chiến chống nạn đói toàn cầu. Điều này phần nào cản trở những nỗ lực cứu trợ nhân đạo vốn trong hành trình đã đầy gian nan.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 30/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 30/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các cuộc xung đột, cú sốc kinh tế và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là những nguyên nhân chính đẩy nhiều quốc gia vào cảnh đói nghèo. Theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2024, gần 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2023. Nhiều chuyên gia lo ngại về số phận của những người đang phải trông đợi cái ăn từng ngày, nhất là khi các cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết và thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2024, song Liên hợp quốc cho biết mới chỉ huy động được khoảng 46% trong tổng số 49,6 tỷ USD cần thiết cho hoạt động viện trợ nhân đạo toàn cầu trong năm nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp Liên hợp quốc kêu gọi được ít hơn một nửa số tiền mong muốn. Theo ông Jan Egeland, Giám đốc Hội đồng người tị nạn Na Uy, một nhóm cứu trợ phi chính phủ, một đất nước không lớn như Na Uy nằm trong số những quốc gia viện trợ nhân đạo hàng đầu, trong khi một số nền kinh tế lớn chỉ góp phần nhỏ vào nỗ lực chung này.

Sự thiếu hụt nguồn lực buộc các tổ chức nhân đạo phải đưa ra lựa chọn đầy khó khăn. Đó là giảm số người đủ điều kiện nhận viện trợ, hoặc giảm lượng nhu yếu phẩm mà mỗi người nhận được. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) từng cung cấp lương thực cho khoảng 6 triệu người tại Syria. Tuy nhiên, bà Rania Dagash-Kamara, Trợ lý Giám đốc điều hành của WFP cho biết, chỉ cần để mắt tới các khoản quyên góp là thấy, tổ chức này hiện chỉ có thể hỗ trợ khoảng một triệu người. Nhiều nơi khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự Syria.

Những nguồn viện trợ không đúng như cam kết, hay đến chậm, càng gây thêm khó khăn đối với sứ mệnh vốn chẳng dễ dàng của các tổ chức nhân đạo. Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Tom Fletcher quan ngại rằng, năm nay chứng kiến số nhân viên cứu trợ chết cao kỷ lục. Dải Gaza được ông Fletcher mô tả là nơi nguy hiểm nhất. Xung đột chưa hạ nhiệt, cũng như tình trạng cướp bóc của các băng nhóm vũ trang khiến nỗ lực viện trợ gặp đầy thách thức. Đoàn xe của Liên hợp quốc gần đây mới tiếp cận được người dân tại Beit Hanoun ở miền bắc Dải Gaza, nơi đã bị cắt viện trợ trong hơn 2 tháng qua. Hình ảnh người dân vội vã chạy khỏi nơi trú ẩn để nhận hàng tiếp tế cho thấy rõ sự tuyệt vọng ở nơi đây nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Những áp lực về tài chính hay sự thay đổi trên chính trường đang khiến một số quốc gia xem xét lại các kế hoạch viện trợ nhân đạo. Đức đã giảm tài trợ trong hai năm 2023 và 2024, như một phần của chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Dù chưa được thông qua, song khuyến nghị giảm viện trợ khoảng 1 tỷ USD trong năm 2025 đã được giới chức Đức đưa ra. Cũng là một trong những nhà tài trợ hàng đầu, Mỹ đã cung cấp khoảng 64,5 tỷ USD trong 5 năm qua. Bởi vậy, các tổ chức nhân đạo đang dõi theo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi ông chuẩn bị quay trở lại Nhà trắng vào năm 2025. Các cố vấn của ông Trump chưa thông tin về kế hoạch viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống trước đây từng tìm cách giảm tài trợ của Mỹ đang gây lo ngại.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc dự báo, hơn 300 triệu người cần được hỗ trợ vào năm 2025, song chỉ có khoảng 190 triệu người có thể nhận được thực phẩm và sự hỗ trợ thiết yếu khác. Điều này cho thấy OCHA vẫn thận trọng và không đặt mục tiêu quá cao, một phần là do thiếu hụt nguồn lực. Thực tế cho thấy, nỗ lực cứu những người đang chìm trong nạn đói vẫn gặp nhiều rào cản và lời kêu gọi khẩn thiết phải được đáp lại bằng những cam kết hỗ trợ cụ thể.