BRICS thúc đẩy an ninh và phát triển toàn cầu

Khoảng 20.000 đại biểu từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đến thành phố Kazan của LB Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 16 và Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng. Hội nghị thảo luận các vấn đề an ninh và phát triển quốc tế, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga V.Putin (phải) tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan. Ảnh: SPUTNIK
Tổng thống Nga V.Putin (phải) tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan. Ảnh: SPUTNIK

Đề cao tiếng nói các nước đang phát triển

Hai hội nghị BRICS diễn ra từ ngày 22 đến 24/10, với sự tham dự của hơn 20 lãnh đạo cấp cao các nước, cùng Tổng Thư ký LHQ và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế. Đây là kỳ hội nghị cấp cao đầu tiên của BRICS theo định dạng mở rộng, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các thành viên mới gia nhập từ năm 2024 là Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ethiopia.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế biến chuyển nhanh chóng và khó lường, thế giới chia rẽ, cạnh tranh chiến lược phức tạp và xung đột tiếp diễn, chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng” của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 được chú ý đặc biệt. Các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận về tăng cường hợp tác nội khối cũng như mở rộng quan hệ đối tác, hướng tới hệ thống chính trị, kinh tế và tài chính quốc tế mới, công bằng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường tiếng nói, sự tham gia của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng được tổ chức, với chủ đề “BRICS với Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Hội nghị thảo luận các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kết nối các nước BRICS và Nam bán cầu trong ứng phó thách thức toàn cầu, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong giao dịch song phương và đa phương, mở rộng thành viên BRICS và các hình thức hợp tác mới nhằm xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, đề cao tiếng nói của các nước đang phát triển.

Tăng cường hợp tác vì ổn định và phát triển

Với hàng chục nhà lãnh đạo tham dự, Hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng tạo cơ hội lớn cho việc mở rộng quan hệ giữa các nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hàng loạt cuộc gặp với lãnh đạo các nước, thảo luận về BRICS và hợp tác song phương.

Hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh về phối hợp giữa hai nước thúc đẩy an ninh và ổn định toàn cầu, Tổng thống Putin khẳng định hợp tác Nga-Trung trong các vấn đề quốc tế là một yếu tố quan trọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, cơ chế hợp tác BRICS là “lực lượng trụ cột” trong việc thúc đẩy thế giới đa cực công bằng và có trật tự, cũng như toàn cầu hóa kinh tế có lợi và mang tính bao trùm. Theo lãnh đạo Trung Quốc, hợp tác BRICS phát triển đem lại nhiều cơ hội cho các nước Nam bán cầu.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có cuộc thảo luận sâu rộng về hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, quốc phòng..., cũng như về các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Ấn Độ đánh giá hợp tác BRICS đã trở thành nền tảng cho đối thoại và thảo luận chương trình nghị sự phát triển toàn cầu.

Trong cuộc gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga đặc biệt coi trọng việc tăng cường quan hệ với các nước châu Phi, đóng góp cho ổn định và phát triển chung.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel El-Sisi nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại Nga-Ai Cập, cũng như giữa các nước BRICS. Về các cuộc xung đột hiện nay, hai nhà lãnh đạo kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp ở Lebanon và Dải Gaza, tạo thuận lợi cho cung cấp cứu trợ nhân đạo, giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế...