Brazil ưu tiên mục tiêu giảm đói nghèo

Tạo đột phá trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng là ưu tiên của Brazil trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Những cú sốc nghiêm trọng, diễn ra đồng thời như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột... đang đẩy thế giới vào tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực.
0:00 / 0:00
0:00
Người phụ nữ mang một hộp trái cây và rau quả do các thương gia quyên góp tại Trung tâm cung ứng CEASA ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 30/8/2022. (Ảnh: REUTERS)
Người phụ nữ mang một hộp trái cây và rau quả do các thương gia quyên góp tại Trung tâm cung ứng CEASA ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 30/8/2022. (Ảnh: REUTERS)

Chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch G20 từ Ấn Ðộ kể từ ngày 1/12/2023, Brazil đã đưa ra chủ đề trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững". Tổng thống Brazil khẳng định, việc đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20 không chỉ là một vinh dự mà còn là cam kết của Brazil trong việc đưa cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng làm trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế. Nhà lãnh đạo Brazil cũng nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay là một vấn đề cực kỳ cấp bách.

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, xung đột leo thang, giá lương thực thế giới biến động... là những nguyên nhân khiến một số quốc gia đứng bên bờ vực của nạn đói. Theo tổ chức Save the Children có trụ sở tại Anh, các hiện tượng thời tiết cực đoan tại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, đã đẩy hơn 27 triệu trẻ em vào nạn đói trong năm 2022.

Thời gian qua, nhiều hội nghị quốc tế đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc gắn biến đổi khí hậu với bài toán an ninh lương thực. Hội nghị thượng đỉnh An ninh lương thực toàn cầu diễn ra cuối tháng 11 vừa qua tại Luân Ðôn, Anh kêu gọi thế giới áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm chống chịu tốt hơn trước cú sốc khí hậu. Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vừa đạt được bước tiến tích cực, khi hơn 130 quốc gia nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia.

Nỗ lực bảo vệ quyền con người đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong những năm qua, nhưng tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại, giữa các nước và trong từng quốc gia. Sự bất bình đẳng có thể thấy rõ khi nhìn vào châu Phi - nơi đang đối mặt hàng loạt thách thức, từ xung đột đến liên tiếp các cuộc đảo chính, từ nghèo đói kinh niên cho đến thiên tai hoành hành, và các khu vực khác. Dù chỉ chiếm khoảng 3% lượng phát thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu, châu Phi lại gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Theo chỉ số thích ứng toàn cầu Notre Dame đo lường độ tổn thương của các quốc gia, trong số 20 quốc gia được xếp hạng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, có tới 16 nước ở Lục địa Ðen.

Theo báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), khoảng 23,4 triệu người dân tại vùng Sừng châu Phi đang thiếu lương thực và 5,1 triệu trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng do các điều kiện khô hạn kéo dài. Báo cáo cũng khẳng định, vùng Sừng châu Phi đã trải qua thời tiết khô hạn tiếp nối những mùa mưa có lượng mưa dưới trung bình kể từ năm 2020, gây tác động tới nông nghiệp, chăn nuôi, thảm thực vật, nguồn nước, sinh kế. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga từng nhấn mạnh, thế giới đang phải đối diện một "cơn bão hoàn hảo", khi những thách thức đan xen và sự phức tạp về địa chính trị cùng nhau làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng.

Do tiềm lực tài chính hạn chế và gánh nặng nợ nần, các nước đang phát triển khó có thể đầu tư đầy đủ để cải thiện hệ thống lương thực. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ước tính, để đạt mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2030, thế giới cần khoản đầu tư trị giá 265 tỷ USD mỗi năm, trong đó, 140 tỷ USD phải được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng khoảng cách giữa cầu và cung tài chính vẫn còn rất lớn.

Ðẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực là nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực và xóa đói nghèo. Các tổ chức, diễn đàn quốc tế đều kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm chung tay xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng lành mạnh, bền vững và bình đẳng, để không ai bị bỏ lại phía sau.