G20 tập trung mục tiêu phát triển bền vững

Tuyên bố New Delhi đã đạt được ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị cấp cao lần thứ 18 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cho thấy sự đồng thuận cao về hành động chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên làm việc của các nhà lãnh đạo G20 trong khuôn khổ Hội nghị New Delhi. Ảnh: GETTY IMAGES
Một phiên làm việc của các nhà lãnh đạo G20 trong khuôn khổ Hội nghị New Delhi. Ảnh: GETTY IMAGES

Hành động về khí hậu

Hội nghị G20 lần thứ 18, do Ấn Độ chủ trì, diễn ra tại New Delhi trong hai ngày 9 và 10/9. Ngay cuối ngày họp đầu tiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về văn bản cuối cùng của hội nghị. Được thông qua với tỷ lệ ủng hộ đạt 100%, Tuyên bố New Delhi dày 37 trang, bao gồm nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, đến bình đẳng giới và chống khủng bố.

Tập trung mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện, Tuyên bố New Delhi nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đưa ra kế hoạch hành động phù hợp. Tuyên bố nêu rõ, mỗi năm thế giới cần khoảng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho tiến trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời tăng cường nỗ lực giảm dần sử dụng than đá. G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ hành động về khí hậu và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu đã được ra mắt. Đây là sáng kiến do Ấn Độ khởi xướng và mời các quốc gia, tổ chức quốc tế tham gia nhằm thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch. Trong khi đó, Brazil tiếp tục cảnh báo việc thiếu cam kết mạnh mẽ về môi trường khiến tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu mà Trái đất đang đối mặt thêm nghiêm trọng. Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước G20 tham gia đề xuất định giá carbon toàn cầu và tăng đầu tư vào công nghệ xanh.

Một loạt cam kết mới liên quan hành động về khí hậu cũng được đưa ra. Trong đó, Hàn Quốc cam kết bổ sung 300 triệu USD cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), đồng thời kêu gọi các nước G20 tăng đóng góp cho quỹ này. Anh cũng cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho GCF, giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu...

Mở rộng hợp tác

LHQ hoan nghênh Tuyên bố New Delhi cam kết đẩy nhanh nỗ lực hướng tới các SDG và đánh giá cao việc G20 đạt đồng thuận trong bối cảnh có sự chia rẽ lớn trên thế giới. Nhấn mạnh hành động tập thể và vai trò lãnh đạo toàn cầu đặc biệt cần thiết đối với hành động về khí hậu và phát triển bền vững, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi G20 tiếp tục đặt tham vọng lớn hơn về giảm phát thải khí nhà kính và mở rộng hợp tác, hỗ trợ nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực mở rộng hợp tác, Tuyên bố New Delhi công bố ra mắt các dự án kết nối kinh tế mới, nổi bật là sáng kiến của Ấn Độ, Mỹ, Saudi Arabia và Liên minh châu Âu (EU) về Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu. Đây là dự án kết nối đường sắt và vận tải, góp phần cho phát triển thông qua kết nối và hội nhập kinh tế giữa các khu vực Tây Á, Trung Đông và châu Phi.

Điểm đồng thuận đặc biệt tại Hội nghị New Delhi là các nhà lãnh đạo G20 nhất trí cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Thủ tướng Modi đã thông báo quyết định trên ngay khi phát biểu khai mạc hội nghị.

Nhiều năm qua, AU đã tích cực vận động để tham gia G20. Quyết định của G20 trao quy chế thành viên cho liên minh gồm hơn 50 quốc gia này là sự công nhận về khả năng tham gia lãnh đạo toàn cầu của châu Phi. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki cho biết, việc AU gia nhập G20 mang lại “khuôn khổ thuận lợi” cho châu Phi đóng góp có hiệu quả vào nỗ lực chung giải quyết những thách thức toàn cầu.

LHQ hoan nghênh quyết định của G20 kết nạp AU, đồng thời đánh giá cao sự đồng thuận của G20 trong nhiều vấn đề lớn của thế giới. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric nhận định: Việc G20 thông qua Tuyên bố New Delhi với đồng thuận cao trong bối cảnh thế giới phân cực hiện nay có phần đóng góp lớn của Ấn Độ trong vai trò Chủ tịch G20.