Bốn hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long trở thành Bảo vật quốc gia

Trong số 29 Bảo vật quốc gia vừa được Chính phủ công nhận, có đến 4 hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long. Các hiện vật đều mang những giá trị lịch sử, mỹ thuật đặc biệt. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình kiến trúc thời Lê sơ - hiện vật mang nhiều thông tin giá trị về kiến trúc cung đình xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình kiến trúc thời Lê sơ bằng đất nung mang nhiều thông tin giá trị về kiến trúc cung đình xưa.
Mô hình kiến trúc thời Lê sơ bằng đất nung mang nhiều thông tin giá trị về kiến trúc cung đình xưa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023). Đáng chú ý, chỉ riêng Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã có tới bốn hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, gồm: Lá đề trang trí chim phượng bằng đất nung thời Lý; Đao cẩn tam khí, thời Trần; Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ và thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ.

Lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý gồm hai phần thân và bệ. Mặc dù chiếc lá đề không hoàn chỉnh, đã bị mất một phần nhưng đây là lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý tìm được tại Hoàng thành Thăng Long đẹp nhất.
Trang trí hoa văn thể hiện hình chim phượng đang nhảy múa trên hoa sen, đầu ngẩng cao, hai mỏ chụm lại, một chân co, một chân làm trụ tạo cảm giác như đang nhún nhảy trên nền hoa dây lá.

Chim phượng có mỏ to và mào lớn hướng về phía trước giống như mỏ và mào của chim công; cánh dang rộng; thân căng tròn, đuôi dài giống như đuôi chim công. Thân không có vảy mà được đặc tả bằng những lớp lông rất chi tiết. Nhiều chi tiết trang trí theo kiểu “thông phong” (đục thủng) với đường nét tinh tế, thể hiện tay nghề kỹ thuật cao.

Trong các hiện vật là bảo vật quốc gia, đao cẩn tam khí thời Trần thuộc loại hình vũ khí, nhưng được trang trí hết sức cầu kỳ. Đao có cấu tạo gồm hai phần thân và cán. Phần cán chỉ còn lại lõi thép bên trong dài 18,5cm, phần còn lại đã mất.

Phần quan trọng nhất là thân đao dài 64cm, cấu trúc gồm 3 phần: lưỡi bén, sống và mũi. Đáng chú ý, hai mặt trên thân trang trí hoa văn bằng kỹ thuật cẩn, chất liệu cẩn là kim loại màu vàng và trắng, màu của thép làm nền khiến các hoạ tiết càng trở nên nổi bật.

Hoa văn trang trí trên đao đặc biệt tinh xảo, với ba phần: Phần thứ nhất, tiếp giáp giữa thân và cán là bố cục hai lớp cánh sen, giữa hai lớp là các đường chỉ chìm và chấm tròn; phần thứ hai trang trí đồ án dây lá, lá lật hình sin theo quy luật lá màu trắng ứng với lá vàng, bao quanh dải dây lá là các đường chỉ mảnh; phần thứ ba có cấu trúc khá phức tạp gồm nhiều đồ án trải dài từ phần giữa thân đao đến đầu mũi.

Nổi bật là các đồ án hình người được thể hiện ở tư thế nhảy múa; đồ án hình một bông hoa 5 cánh lớn; đồ án mây hình chiếc khánh… Sống đao cũng được trang trí hoa văn dây lá.

Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ bằng hợp kim đồng, có lỗ tròn để luồn dây đeo thẻ. Hai mặt đều khắc chữ Hán rõ nét, ghi nội dung sử dụng thẻ dành cho cung nữ. Ngoài ra còn có chữ ghi niên đại làm thẻ là tháng 4 năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, tức năm 1466.

Hiện vật cuối cùng trong các hiện vật này là mô hình kiến trúc thời Lê sơ. Đây là một hiện vật rất quan trọng, chứa đựng nhiều thông tin về kiến trúc cung đình thời Lê sơ. Hiện vật là phần còn lại của một mô hình kiến trúc hoàn thiện. Phần còn lại này bao gồm một phần của bộ mái và một phần của bộ khung kết cấu.

Mô hình kiến trúc thời này cho thấy rõ nét hệ cột, hệ xà, hệ đấu củng của kiến trúc xưa. Trong đó, hệ cột gồm cột cái, cột quân (cột hiên) với tất cả 16 cột; hệ xà có các cấu kiện: câu đầu, xà thượng, xà hạ (tương đương với xà nách trong kiến trúc kẻ bẩy); Hệ đấu củng gồm các cấu kiện: Đấu, củng, ang và xà vuông.
Bộ khung được phủ men màu vàng, sắc độ đậm, thường được gọi là men màu da lươn. Mặc dù chỉ là một mô hình thu nhỏ và đã bị mất mát phần lớn, nhưng hiện vật giúp các nhà khoa học nhận diện gần như đầy đủ các yếu tố cấu thành bộ mái kiến trúc. Kết hợp với những nguồn tư liệu khác, hiện vật này có giá trị thông tin rất lớn trong phục dựng kiến trúc cung đình thời Lê sơ.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội hiện đang có kế hoạch phát huy giá trị những Bảo vật quốc gia này, đưa các Bảo vật giới thiệu đến công chúng.