Song, đến nay, khu di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa được các cơ quan hoàn thành việc bàn giao mặt bằng, hiện vật khai quật. Cùng với đó, việc tái dựng Điện Kính Thiên còn thiếu những dữ liệu khoa học.
Hoàng thành Thăng Long được khẳng định là di sản văn hóa độc nhất vô nhị ở nước ta, là nơi đức vua cùng trăm quan bàn quốc sự, nơi ở của hoàng gia liên tục qua các vương triều: Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng. Hầu hết các di sản đều nằm trong lòng đất, với địa tầng sâu tới 5m, các lớp văn hóa chồng lấp lên nhau.
Bởi vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long có những đặc thù riêng, đó là vừa nghiên cứu, vừa bảo tồn, vừa triển khai các biện pháp phát huy giá trị. Để thực hiện các cam kết với UNESCO, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án. Song, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết, về công tác quản lý. Sau gần 13 năm kể từ khi được UNESCO ghi danh, Hà Nội vẫn chưa thể tiếp nhận toàn bộ khu vực được khoanh vùng công nhận di sản.
Diện tích đất chưa được tiếp nhận rộng 1,729ha, gồm phần đất do Bộ Quốc phòng đang quản lý (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Trạm bán xăng tại đường Nguyễn Tri Phương) và khu biệt thự số 28 phố Điện Biên Phủ do một số gia đình sử dụng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, mặc dù đã xây dựng phương án đền bù di dời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, nhưng các hộ gia đình vẫn chây ỳ năm này qua năm khác và đưa ra những kiến nghị vô lý.
Đến nay, chỉ có một trong số 7 hộ chịu nhận tiền đền bù và nhà để di dời. Về công tác quản lý di vật, hiện vật khảo cổ học, hiện thành phố mới chỉ nhận một phần nhỏ hiện vật, cho nên khó khăn trong công tác nghiên cứu, trưng bày. Số lượng di vật còn lại hiện do Viện Khảo cổ học và Viện Nghiên cứu Kinh thành giữ.
Do phần lớn giá trị của Hoàng thành Thăng Long nằm trong lòng đất, việc tái dựng Điện Kính Thiên - không gian thiết triều xưa là nguyện vọng của các nhà khoa học cũng như nhân dân; đồng thời cũng là nhu cầu bức thiết để thu hút khách tham quan.
Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học từng bước làm rõ kiến trúc Điện Kính Thiên, song một số yếu tố như: Cấu trúc tòa nhà gồm một tòa chính điện nằm ngang có chuôi vồ (còn gọi là kiến trúc chữ Đinh) hay gồm hai lớp nhà song song được nối với nhau (chữ Công) chưa được biết đến; chiều rộng của từng gian, chiều sâu của tòa điện... chưa được làm rõ. Mặt khác, muốn tái dựng Điện Kính Thiên, cần hạ giải Nhà tác chiến và Nhà con Rồng - những kiến trúc do người Pháp xây dựng trong giai đoạn thuộc địa.
Đối với bảo tồn, phát huy giá trị các hố khai quật khảo cổ học, nhiều khu vực vẫn được đào lên nghiên cứu sau đó lấp lại. Khu khảo cổ số 18 đường Hoàng Diệu (phát lộ trong quá trình chuẩn bị xây dựng Nhà Quốc hội năm 2002) hiện vẫn sử dụng hệ thống mái che, đường đi... tạm thời để phục vụ cho công tác bảo quản, tham quan.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa đã lấy ý kiến các sở, ngành. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là tái dựng Điện Kính Thiên.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ đồng ý với đề xuất của Hà Nội tiếp tục cho khai quật khảo cổ tại khu vực nền Điện Kính Thiên để làm rõ các cơ sở khoa học, nhất là cấu trúc, quy mô của Điện, tiến tới tái dựng. Đại diện nhiều sở, ngành đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, quận Nam Từ Liêm sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng Trung tâm Thể thao Quân đội.
Ban Chỉ đạo triển khai dự án cần sớm làm việc với Bộ Quốc phòng để hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận phần diện tích còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các hộ gia đình cố tình chây ỳ không chịu di dời, nếu không thể thuyết phục, thì cần thực hiện các biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng, không thể để vài hộ gia đình này cản trở công tác bảo tồn, phát huy giá trị một Di sản Văn hóa Thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng. Các sở, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, trong đó tập trung vào việc tái dựng Điện Kính Thiên, xây dựng Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long, đẩy nhanh công tác khảo cổ học...
Thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa về nguồn lực, nhân lực để triển khai các dự án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Đối với Dự án tái dựng Điện Kính Thiên, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đồng chí yêu cầu việc triển khai thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc dựa trên cơ sở khoa học và đồng thuận cả trong nước và quốc tế.
Mục tiêu là trong nhiệm kỳ 2020-2025, phải hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị trước những vật liệu quan trọng để khởi công xây dựng vào đầu nhiệm kỳ tới.