Dấu mốc cho bước khởi đầu mới

Sản xuất lúa gạo là ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Đây là một trong năm tỉnh có diện tích canh tác lúa lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với nhiều nông dân Đồng Tháp, việc khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là dấu mốc cho bước khởi đầu mới.
0:00 / 0:00
0:00
Gieo sạ lúa vụ thu-đông 2024 tại diện tích thí điểm Đề án, thuộc xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Gieo sạ lúa vụ thu-đông 2024 tại diện tích thí điểm Đề án, thuộc xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Những ngày này, tại cánh đồng lúa ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, nông dân đang bắt tay vào làm vụ lúa thu đông. Đối với bà con, vụ lúa năm nay rất đặc biệt khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai thí điểm tại địa phương mình.

Chỉ tay về phía cánh đồng lúa gieo sạ được hơn 20 ngày, ông Mai Văn Đởm, ngụ ấp 5, xã Mỹ Đông, phấn khởi khoe với chúng tôi: "Tôi tham gia đề án được hơn 2 ha. Các đơn vị liên quan, công ty đã tận tình đến hướng dẫn, hỗ trợ chúng tôi phân bón, kỹ thuật, giống... Tôi kỳ vọng rất nhiều vào đề án. Anh em nông dân chúng tôi ngồi tính nhẩm, rõ ràng việc tham gia đề án có lợi cho mình, đặc biệt là học hỏi chuyên môn, chi phí sản xuất cũng nhẹ hơn". Tại lễ khởi động đề án, nông dân đến từ nhiều huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp càng vui mừng hơn khi nắm bắt được những thông tin quan trọng của đề án. Nông dân Huỳnh Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Tâm Việt hội quán, ngụ thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết: "Trước nay chỉ nghe về đề án nhưng qua lễ khởi động, tôi rất phấn khởi khi thấy được sự quyết tâm của địa phương thông qua mô hình cụ thể. Bản thân là một nông dân, ham học hỏi và đam mê những mô hình mới, tôi đến chứng kiến buổi phát động, thấy đây là bước ngoặt cho ngành hàng lúa gạo của địa phương mình. Địa phương chúng tôi cũng là một trong các đơn vị được chọn triển khai đề án, nông dân chúng tôi đều sẵn sàng và tự tin thực hiện đề án trong thời gian tới".

Diện tích tham gia thực hiện mô hình thí điểm đề án tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi của xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười trong vụ đầu tiên là 50 ha lúa liền kề nhau của 24 hộ, bắt đầu từ vụ thu đông năm 2024 và kéo dài trong ba vụ liên tiếp. Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, nông dân cũng có những quyền lợi là được tập huấn kỹ thuật canh tác ba lần mỗi vụ. Hằng tuần, có cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng, kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý sâu bệnh hại. Bà con cũng được hỗ trợ 50% chi phí vật tư như lúa giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ, bao tiêu liên kết đầu ra… Đồng thời, bà con còn được hỗ trợ chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tập trung tại một số địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn như: các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và thành phố Hồng Ngự. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2024, sẽ có khoảng 20 nghìn ha lúa tham gia đề án, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50 nghìn ha và đến năm 2030 là 161 nghìn. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khởi động đề án với diện tích 50 ha. Nói về sự vào cuộc cùng bắt tay thực hiện đề án, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được hợp tác xã triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Với các kinh nghiệm hiện có cùng với sự quyết tâm cao của thành viên, hợp tác xã quyết tâm thực hiện hiệu quả đề án".

õ ràng, chính những người nông dân tham gia sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án khi chi phí sản xuất kéo giảm, tăng lợi nhuận. "Về lâu dài, việc thực hiện đề án hướng đến mục tiêu vào năm 2030, đối với diện tích lúa tham gia đề án, lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%. 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt hơn 50%", Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Chấn cho biết.

Việc thực hiện Mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi được xem là "dấu mốc", bắt đầu cho sự tập trung hành động của bà con nông dân trong tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng hành cùng bà con nông dân trong việc xây dựng đề án, còn có các tổ chức quốc tế cũng như doanh nghiệp.

Đồng Tháp có tổng diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 490 nghìn ha, 75% cơ cấu giống chất lượng cao. Vấn đề được tỉnh quan tâm hiện nay là mối liên kết thiếu bền vững giữa doanh nghiệp và người dân trong các mô hình. Do đó, Đề án xác định chính sách hỗ trợ dài hạn để doanh nghiệp gắn bó và có sự đầu tư cho kế hoạch đầu tư xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, nông dân tham gia đề án, quan tâm đầu tư những hạ tầng nhỏ, nội đồng để nông dân thuận tiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất một cách đồng bộ.

Một nhịp sống mới đang bắt đầu và lan tỏa đối với bà con nông dân trồng lúa, như Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh nói: "Chúng ta đặt một dấu mốc, xem đây là bắt đầu để tập trung cho sự hành động của bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp, những người trồng lúa cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã và những thành phần có liên quan, để chúng ta cùng nhau hành động xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo".