Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc

75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc

NDO - Được công nhận là liệt sĩ và hưởng các chế độ theo quy định đã 58 năm, bỗng một ngày gia đình cụ Đỗ Bá Tiềm bị cắt chế độ thân nhân liệt sĩ vì khi rà soát không có hồ sơ gốc lưu trữ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình. Còn không ít những trường hợp như cụ Tiềm, vì không đủ hồ sơ gốc mà cho đến nay, những hy sinh, cống hiến vẫn chưa được ghi nhận...

75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt

Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" - văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã cùng đồng lòng, chung sức chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Và hành trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có những văn bản quy định chưa phù hợp thực tế, hoàn cảnh; nhiều trường hợp thất lạc giấy tờ; quá trình giải quyết khó khăn và phức tạp hơn nên hiện còn nhiều hồ sơ tồn đọng. Đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh của họ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vướng mắc, tồn đọng vẫn còn đó như những vết thương chưa thể lành. Những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc chưa được đền đáp xứng đáng, là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống...

Day dứt của người ở lại

Chúng tôi đến nhà ông Đỗ Bá Toan (trú tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - cháu ruột cụ Đỗ Bá Tiềm tình cờ vào đúng ngày giỗ của cụ Tiềm. Thắp nén hương trên bàn thờ cụ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi ông Toan rưng rưng nước mắt: “Nguyện vọng duy nhất của gia đình là lấy lại danh dự cho ông để đỡ phần nào day dứt đối với hương hồn người hy sinh ở chín suối”.

Cụ Đỗ Bá Tiềm (sinh năm 1929), nguyên quán xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là bộ đội kháng chiến chống Pháp. 68 năm trước (tháng 7/1954), gia đình nhận được giấy báo tử từ Trung đoàn 504 (thời kỳ chống Pháp). Cụ Tiềm được tổ chức truy điệu công nhận là liệt sĩ, tên của cụ nằm trong Bia tưởng niệm liệt sĩ của xã Liên Thủy, gia đình được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ. Cứ như vậy hơn nửa thế kỷ cho đến năm 2012, bỗng dưng gia đình cụ bị thu hồi hết chế độ thân nhân liệt sĩ và tên cụ Tiềm bị gạt ra khỏi danh sách trên Bia tưởng niệm Liệt sĩ xã Liên Thủy.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 1

Là người thờ phụng cụ Tiềm, ông Toan kể lại câu chuyện vào 10 năm trước, khi xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình rà soát lại danh sách các liệt sĩ trong địa bàn để làm lại bia tưởng niệm liệt sĩ xã, phát hiện tên cụ Đỗ Bá Tiềm không có hồ sơ lưu trữ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình.

Ông Toan viết không biết bao nhiêu đơn và ròng rã mang hồ sơ đi khắp nơi từ phòng thương binh xã, lên huyện, ra tỉnh, lên Cục chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; gửi tờ trình lên Văn phòng Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quân khu 4 để đòi lại công lý cho cụ Đỗ Bá Tiềm nhưng chưa nơi nào có một câu trả lời thỏa đáng.

Về việc vì sao hồ sơ không được lưu tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Toan cho rằng, thời điểm cụ Tiềm là bộ đội Điện Biên Phủ về giải phóng thủ đô, cụ hy sinh tại tỉnh Hà Tây (cũ), Trung đoàn 504 gửi giấy báo tử về gia đình chứ không cập nhật qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hay qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nên không có tên trong danh sách.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 2
Bản Trích lục số 20/CS-HP xác nhận cụ Đỗ Bá Tiềm (sinh năm 1929) hy sinh trong khi chiến đấu vào tháng 7/1954.

Để xác thực việc cụ Tiềm là liệt sĩ hy sinh năm 1954, vì giấy báo tử của cụ Tiềm đã bị mủn, năm 2012, ông Toan xin giấy giới thiệu của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy ra Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị để xin trích lục hồ sơ liệt sĩ.

Ngày 23/4/2012, Cục chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có bản trích lục số 20/CS-HP xác nhận cụ Đỗ Bá Tiềm (sinh năm 1929) nhập ngũ tháng 8/1946, hy sinh trong khi chiến đấu vào tháng 7/1954; chức vụ là Đại đội trưởng. Cụ được an táng tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Thế nhưng, ngay cả khi có bản trích lục chứng nhận cụ Đỗ Bá Tiềm là liệt sĩ, gia đình vẫn chưa đòi được danh dự cho cụ.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 3
Nhiều mộ liệt sĩ đến nay vẫn chưa xác định được danh tính. Nhiều gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ cha, ông mình hy sinh đang được an táng tại đâu. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chưa suy tôn liệt sĩ vì chưa tìm ra phần mộ

Theo ông Toan, đau đớn nhất hiện nay là sau khi chính quyền tỉnh tạo điều kiện làm hồ sơ liệt sĩ cho cụ Đỗ Bá Tiềm và gửi lên Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thì nhận được Công văn phúc đáp số 1552/BCT-CT ngày 19/4/2019 với nội dung như sau:

“Qua kết quả thẩm định ngày 5/7/2018, Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4 chuyển trả hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Đỗ Bá Tiềm vì căn cứ điểm 1, 2 Điều 3, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, quy định xác nhận liệt sĩ trong hồ sơ yêu cầu phải có:

Một, danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có tên người hy sinh hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.

Hai, người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước.

Ba, lịch sử Đảng bộ xã có ghi tên liệt sĩ có bản gốc xuất bản từ năm 2010 trở về trước”.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 4
Công văn phúc đáp số 1552/BCT-CT ngày 19/4/2019 yêu cầu ông Toan bổ sung giấy xác nhận phần mộ an táng cụ Đỗ Bá Tiềm trong nghĩa trang liệt sĩ của Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi hiện nay an táng cụ.

Như vậy, theo yêu cầu này, gia đình ông Đỗ Bá Toan phải bổ sung giấy xác nhận phần mộ an táng cụ Đỗ Bá Tiềm trong nghĩa trang liệt sĩ của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi hiện nay an táng cụ.

Đây là điều bất khả thi với gia đình ông Toan vì khi cụ Tiềm hy sinh, gia đình không biết phần mộ của cụ nằm ở đâu. Năm 2012, sau khi xin được trích lục hồ sơ xác nhận cụ Đỗ Bá Tiềm là liệt sĩ, ông Toan mới biết được nơi an táng của cụ tại tỉnh Hà Tây (cũ). Ngay lập tức, ông Toan làm đơn gửi tới UBND xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ) để làm thủ tục xin chuyển phần mộ của cụ Tiềm về địa phương.

Tuy nhiên, ngày 28/5/2012, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ) đã có văn bản trả lời gia đình ông Toan: Sau khi tra cứu hồ sơ liệt sĩ lưu tại phòng và hồ sơ hiện đang quản lý tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Đồng, phòng không tìm thấy thông tin gì có liên quan đến liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm ở nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Đồng và các nghĩa trang liệt sĩ do huyện quản lý.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 5

Ngày 28/5/2012, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ) đã có văn bản trả lời gia đình ông Toan: Không tìm thấy thông tin gì có liên quan đến liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm ở nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Đồng và các nghĩa trang liệt sĩ do huyện quản lý.

Gia đình đã ra tận Thạch Thất, Hà Tây để tìm mộ cụ Tiềm thì được biết, nghĩa trang của huyện Thạch Thất được tôn tạo vào năm 1960. Nghĩa trang chỉ có phần mộ nhưng không có bia khắc tên cụ thể, chỉ biết là các trường hợp an táng tại đây đều là chiến sĩ chống Pháp.

Vậy là cuộc tìm kiếm phần mộ của cụ Tiềm chìm vào vô vọng. Điều này đồng nghĩa, theo yêu cầu của Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4, hồ sơ của cụ Tiềm chưa có hướng giải quyết.

10 năm, gần 4.000 ngày ròng rã cầm lá đơn viết tay đi khắp các nơi, ông Toan thuộc làu từng câu chữ mình viết, trong đó có những câu hỏi đầy nhức nhối: “Thử hỏi trong cuộc chống giặc ngoại xâm giữ nước biết bao liệt sĩ vô danh, mất tích không tìm ra mộ và công cuộc tìm kiếm mộ chí của liệt sĩ là trách nhiệm của quốc gia. Tại sao Phòng chính sách, Quân khu 4 bắt gia đình chúng tôi phải tìm kiếm được mộ mới công nhận liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm cách đây 68 năm?”.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 6

Ông Đỗ Bá Toan - cháu ruột cụ Đỗ Bá Tiềm.

Ông Toan buồn bã nói: “Đáng lẽ Bộ Quốc phòng phải rà soát danh sách liệt sĩ để gửi sang bên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để khớp hồ sơ. Việc sai giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sao không giải quyết mà lại đùn đẩy không chỗ nào làm. Nếu trong luật của Nhà nước quy định phải có mộ mới công nhận liệt sĩ thì Quốc hội nên thay đổi luật đó đi vì 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đi qua, 1,5 triệu người đã hy sinh, còn biết bao nhiêu người chưa tìm ra phần mộ? Thời điểm ông Tiềm hy sinh, tôi còn chưa ra đời. Ông tôi hy sinh trong khi chiến đấu, bây giờ đáng lẽ tôi phải hỏi Nhà nước mộ ông tôi ở đâu chứ sao hỏi ngược lại tôi?”.

Câu hỏi của ông Toan, không chỉ là nỗi ẩn ức dồn nén của một người tha thiết muốn được trả lại danh hiệu cho chú, mà để lại nỗi day dứt khó tả cho bất kỳ ai nghe được câu chuyện này.

Cố kìm nén những ấm ức dồn nén sốt 10 năm qua, ông Toan im lặng giây lát rồi ngước nhìn tấm bằng công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng được treo ở vị trí trang trọng trên tường nhà. Năm 1996, cụ bà Mai Thị Em (tức bà nội ông Đỗ Bá Toan) được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Năm 2016, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho gia đình bà Mai Thị Em vì có 3 con là liệt sĩ. Điều này có nghĩa là Nhà nước đã công nhận cụ bà Mai Thị Em có 3 con liệt sĩ, gồm: Đỗ Bá Tiềm, Đỗ Bá Trạu, Đỗ Bá Kinh. Thế mà giờ đây, chỉ vì không có hồ sơ gốc do công tác lưu trữ còn nhiều bất cập, hạn chế, cụ Đỗ Bá Tiềm mất đi sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước.

Chỉ mong người hy sinh được ghi nhận xứng đáng

Nhiều năm qua, UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhiều lần làm công văn đề nghị suy tôn liệt sĩ cho cụ Đỗ Bá Tiềm. Năm 2012, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy đề nghị: Căn cứ hồ sơ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Em là mẹ của liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm, Đỗ Bá Trạu, Đỗ Bá Kinh và bản Trích lục số 20/CS-HP ngày 23/4/2012 của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, yêu cầu Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy phối hợp với UBND xã Liên Thủy sớm khắc tên liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm vào Nhà bia tưởng niệm của xã và giải quyết các chế độ liên quan đối với người thờ cúng liệt sĩ.

Bị cắt chế độ liệt sĩ vì… không có hồ sơ gốc ảnh 7

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình có Công văn số 607/SLĐTBXH-CSNNC yêu cầu sớm khắc tên liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm vào Nhà bia tưởng niệm của xã và giải quyết các chế độ liên quan.

Như vậy, dù có tên trong bia tưởng niệm như một sự tôn vinh của địa phương song mọi chế độ thân nhân liệt sĩ Đỗ Bá Tiềm cũng bị cắt vì lý do như đã nói ở trên.

Theo ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong số 13 trường hợp của xã bị thu hồi chế độ gia đình liệt sĩ, đến nay mới chỉ có 4 trường hợp dân sự được suy tôn liệt sĩ vào năm 2014, 2020 và 2 trường hợp vào năm 2021.

Nếu đời tôi không đòi được thì sẽ di chúc cho đời con cháu tôi tiếp tục đi đòi đến cùng. Chúng tôi chỉ yêu cầu cơ quan chức năng sớm có hướng giải quyết, tạo điều kiện cho gia đình để người hy sinh không còn oan ức nơi chín suối.

(Ông Đỗ Bá Toan, cháu cụ Đỗ Bá Tiềm)

Các trường hợp dân sự chỉ cần phô-tô công chứng bản Lịch sử Đảng bộ của xã mà trong đó có danh sách liệt sĩ của địa phương là đủ căn cứ để Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình trình cấp có thẩm quyền ra quyết định suy tôn. Riêng các trường hợp là chiến sĩ quân đội, công an thì căn cứ để được suy tôn liệt sĩ khó khăn hơn”, ông Linh cho hay.

Các trường hợp còn lại hiện nay không có giấy tờ gì để xác minh đã hy sinh, không công tác trong quân đội nên không có trích lục giấy báo tử. May ra có trường hợp của cụ Tiềm có xác nhận hy sinh của đơn vị chiến đấu mà cũng mất hơn 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Người đàn ông ở tuổi thất thập cho biết, mình quá mệt mỏi vì đi gõ cửa cầu cứu khắp nơi để cụ Tiềm được suy tôn là liệt sĩ: “Nếu đời tôi không đòi được thì sẽ di chúc cho đời con cháu tôi tiếp tục đi đòi đến cùng. Chúng tôi chỉ yêu cầu cơ quan chức năng sớm có hướng giải quyết, tạo điều kiện cho gia đình để người hy sinh không còn oan ức nơi chín suối”.

Nỗi lòng của ông Toan cũng giống như hàng trăm thân nhân các trường hợp chưa được suy tôn liệt sĩ tại tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Những trường hợp tồn đọng, vướng mắc do không thể có đủ hồ sơ gốc... là những trăn trở, day dứt cần được tập trung giải quyết.

Ân hận vì chưa làm được chế độ thương binh cho mình

Ông Phạm Văn Khải, đơn vị Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (quê Hưng Yên) tham gia trọn vẹn 81 ngày đêm trong chiến dịch chiến đấu, bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trong đó có 10 ngày ông Khải trực tiếp chiến đấu trong Thành cổ.

Những ngày cuối cùng trước khi rút, một quả pháo nã vào đúng trận địa ông chiến đấu. Ba đồng đội bị thương nặng, một người hy sinh, còn ông bị thương nhẹ vào đùi nên gạt bỏ đau đớn, ông tiếp tục trụ lại đến khi có lệnh rút quân.

Vì thương nhẹ vào phần mềm nên ông không đi viện, không có giấy giám định chứng thương. Sau này ra quân, ông cũng coi đó là sự hy sinh xương máu lẽ thường, không nghĩ đến việc đi giám định.

Dù đến nay vết thương vẫn còn, Ban Chỉ huy Đại đội vẫn còn, các đồng đội vẫn còn làm chứng được nhưng ông vẫn không thể làm chế độ thương binh cho mình vì quy định mới đòi hỏi nhiều giấy tờ mà ông không còn lưu trữ.

“5 năm nay, tôi mới có chút chế độ của chất độc da cam. Nhưng vết thương cơ thể 5-6 chỗ vẫn còn nhức nhối. Lắm lúc tôi ân hận bảo với con cháu chắc chết không nhắm mắt vì mình là người có công thật sự mà chưa làm được chế độ cho mình”, ông Khải tâm sự.

“Bình đã được công nhận là liệt sĩ chưa”

5 năm trước, khi nhắm mắt ở tuổi 102, mẹ Nguyễn Thị Đô của chiến sĩ Mã Quảng Bình (quê xã An Phú, Lục Yên, Yên Bái) đau đáu hỏi con cháu “Bình đã được công nhận liệt sĩ chưa”. Đồng chí Mã Quảng Bình (Trung đoàn 98, Sư đoàn 473 đang làm nhiệm vụ cơ bản tại đường Trường Sơn đã hy sinh tại Đèo A Dớt, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1975. 11 năm qua, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ của ông gửi Cục Người có công vẫn chưa được giải quyết.

Đồng chí Mã Quảng Bình là một trong 11 đồng chí hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại địa bàn này, được Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh nhiều lần gửi hồ sơ lên Cục Người có công xin xác nhận liệt sĩ.

Ông Đậu Xuân Tường, Ủy viên Ban Chấp hành hội truyền thống Trường Sơn, Việt Nam - Phó ban chính sách - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 cho biết, sau nhiều lần làm đơn, Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) đã gửi kết quả kiểm tra, xác minh, bổ sung hồ sơ xác nhận liệt sĩ gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị đề nghị công nhận liệt sĩ cho các trường hợp này.

Tuy nhiên, 11 năm qua, mới chỉ có 3/11 người được công nhận là liệt sĩ. Còn lại hầu hết đều vướng ở khâu sai dữ liệu hoặc yêu cầu người cùng thời điểm chiến đấu xác minh thì họ hầu hết đã không còn. Một số thay đổi trong quy định về hồ sơ, giấy tờ công nhận người có công khiến cho nhiều người phải ngậm ngùi.

Theo ông Đậu Xuân Tường, một số khó khăn chính là việc cập nhật dữ liệu trong nhiều năm qua. Trong quá trình nhập hồ sơ, nhiều khi có thể do tiếng vùng miền, chỉ sai một dấu, một nét chữ, việc xác nhận rất khó khăn, bị trả hồ sơ nhiều lần.

“Hồ sơ đã nằm ở Cục Người có công nhiều năm qua và nhiều cơ quan nhà nước khác nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi rất hy vọng đợt này việc công nhận liệt sĩ cho các trường hợp còn lại được thông qua. Vì sau đây, chúng tôi sẽ còn rất nhiều hồ sơ xin xác nhận liệt sĩ khác. Hành trình đi đòi chế độ và sự tôn vinh cho các đồng đội còn dài, nhưng còn hơi sức, chúng tôi còn làm”, ông Tường bày tỏ.

back to top