Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm

75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm

NDO - Ở Quảng Trị, nhiều người biết câu chuyện của anh Phạm Công Đức, 11 năm đeo đuổi hành trình thủ tục làm chứng nhận liệt sĩ cho cha mình. Dù sự thật rõ ràng tưởng chừng như không thể nói không, nhưng hành trình của anh vẫn cứ rơi vào bế tắc, bởi “theo quy định” thì “không thể”.

75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt

Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" - văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã cùng đồng lòng, chung sức chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Và hành trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có những văn bản quy định chưa phù hợp thực tế, hoàn cảnh; nhiều trường hợp thất lạc giấy tờ; quá trình giải quyết khó khăn và phức tạp hơn nên hiện còn nhiều hồ sơ tồn đọng. Đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh của họ. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những vướng mắc, tồn đọng vẫn còn đó như những vết thương chưa thể lành. Những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc chưa được đền đáp xứng đáng, là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống...

Hai người cùng hy sinh vì một quả bom, nhưng…

Một ngày giữa tháng 7/2022, khi dòng người đổ về các nghĩa trang để dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ ngày một đông hơn, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Công Đức ở nhà số 1, đường Lê Duẩn, Khu phố 1, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ ngày anh mang hồ sơ đi làm thủ tục chứng nhận liệt sĩ cho cha mình đến nay, đã hơn 11 năm, hơn 4.000 ngày.

Bố anh là Phạm Công Lập, sinh năm 1932, người thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Do vừa tham gia kháng chiến vừa sản xuất, tháng 7/1954, ông Lập ra bờ Bắc (khu vực Vĩnh Linh, phía bắc sông Bến Hải - vĩ tuyến 17) công tác tại Ty Nông lâm, sau đó đổi thành Nông nghiệp-Thủy lợi khu vực Vĩnh Linh (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với chức danh Trưởng bộ phận tập đoàn Ty Nông nghiệp.

Những năm 1965-1967, quân đội Mỹ tăng cường ném bom bắn phá ác liệt khu vực Vĩnh Linh. Ông Lập gan dạ, dũng cảm nên được cấp trên giao nhiệm vụ kiêm Trưởng dân quân tự vệ cơ quan Ty Nông nghiệp-Thủy lợi khu vực Vĩnh Linh. Ông cùng đồng đội bám trụ địa bàn, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ngày 15/10/1967, ông cùng một đồng nghiệp là bà Phan Thị Giao được thủ trưởng giao nhiệm vụ đến phục vụ chiến đấu tại trọng điểm Mỹ đang bắn phá ác liệt Ngã ba rú Lịnh (bây giờ thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh). Một quả bom B52 rơi xuống và nổ trúng vị trí hai người đang thực hiện nhiệm vụ. Cả hai người hy sinh ngay tại chỗ. Đến nay, phần mộ của hai người đồng nghiệp hy sinh cùng lúc, cùng chỗ ấy đang được an táng gần nhau trong nghĩa trang dòng họ Phan tại thôn Hương Nam, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.

Năm 1996, gia đình bà Phan Thị Giao đã lập hồ sơ gửi lên các cơ quan chức năng đề nghị xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Đến năm 2000, mọi thủ tục công nhận liệt sĩ cho bà Giao đã hoàn thành, cùng bằng chứng nhận và các chế độ trợ cấp theo đúng quy định. Còn ông Phạm Công Lập, mãi đến năm 2011, gia đình mới tiến hành làm thủ tục, nhưng do quy định thay đổi khác trước, nên đến nay, hồ sơ của ông Lập vẫn đang nằm chờ…

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 1

Bằng Tổ quốc ghi công công nhận liệt sĩ cho bà Phan Thị Giao.

Hành trình 11 năm của người con trai độc nhất

Trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về hành trình làm các thủ tục công nhận liệt sĩ cho cha kéo dài tới 11 năm mà chưa có kết quả, anh Đức liên tục khóc. Có lẽ trong lòng người con trai độc nhất của liệt sĩ đang chất chứa quá nhiều nỗi niềm, mà nhiều nhất là nỗi day dứt ân hận vì đã quá nửa đời người rồi, cha đã hy sinh từ khi mình còn nhỏ mà đến nay nhiệm vụ của mình chưa thể hoàn thành. Vong linh cha có lẽ chưa yên nơi chín suối.

Giải thích vì sao đến năm 2011 mới đi làm thủ tục chứng nhận liệt sĩ cho cha, anh Đức bùi ngùi nhớ lại: Những năm cha anh bám trụ ở tọa độ lửa Vĩnh Linh, vừa làm việc vừa chiến đấu, và hy sinh, thì anh Đức là học sinh miền nam cùng nhiều con em được đưa ra miền bắc theo diện K8 ở lại học tập tại tỉnh Ninh Bình. Anh không biết gì về việc cha mình đã hy sinh cùng bà Phan Thị Giao, luôn nghĩ rằng cha còn sống chiến đấu ở Khu vực Vĩnh Linh. Bởi, đồng đội cha anh đã giấu thông tin, không báo cho người con trai duy nhất của ông biết. Hằng tháng, các cô chú mải miết gửi quà, bánh kẹo, áo quần ra bắc để động viên anh Đức yên tâm phấn đấu học tập. Thông thường ngoài thư và thùng quà đều ghi rõ: Cha Phạm Công Lập gửi con thương yêu Phạm Công Đức.

Anh Đức nhớ lại ngày nhận quà đầu tiên từ Vĩnh Linh gửi ra anh mừng vui không kể xiết, nghĩ cha đang khỏe mạnh an toàn. Nhưng suốt trong năm 1967 ấy, anh cảm thấy ruột gan mình ngày nào cũng nóng như lửa đốt, vẫn như linh cảm đâu đó có chuyện gì bất an. Bây giờ nhớ lại, anh chùng giọng, linh cảm của người con về cha, máu mủ ruột thịt luôn thiêng liêng vậy đó.

Nhưng phải đến mùa hè năm 1971, anh Đức lặn lội ngược về Vĩnh Linh thăm quê, thì đồng đội của cha anh mới kể sự thật, ông Phạm Công Lập đã hy sinh cùng bà Phan Thị Giao vào ngày 15/10/1967. Bấy lâu các cô chú không muốn báo tin buồn cho anh Đức biết vì muốn để anh yên tâm học tập tốt hơn.

Anh Phạm Công Đức vẫn luôn nghĩ rằng cha mình đã đóng góp công sức, hy sinh vì sự nghiệp độc lập, hòa bình của Tổ quốc thì Nhà nước sẽ ghi nhận, chứ gia đình không nên đi xin danh hiệu hay chế độ liệt sĩ gì. Nhưng một lần đến thăm người thân của liệt sĩ Phan Thị Giao - người đồng đội hy sinh cùng với cha mình, anh mới biết gia đình đã làm hồ sơ đề nghị và bà Giao được công nhận là liệt sĩ theo những thủ tục, quy định tại Nghị định 28-CP/1994. Thân nhân bà Giao cho biết, vì cứ ngỡ rằng ông Lập đã được công nhận liệt sĩ rồi nên không báo cho anh Đức cùng làm hồ sơ nữa.

Do vậy, đến năm 2011, anh Phạm Công Đức mới làm và gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng đề nghị xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Lập. Oái ăm thay, thời điểm này chính sách thi hành Pháp lệnh người có công lại thay đổi.

Cụ thể, Nghị định 28-CP/1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 đã hết hiệu lực từ năm 2006. Lúc ấy, văn bản đã thay thế bằng Nghị định 54-CP/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thay đổi toàn bộ thủ tục, yêu cầu người được đề nghị hưởng chính sách liệt sĩ phải có hồ sơ gốc như giấy báo tử, hồ sơ trợ cấp mai táng phí, không chấp nhận thủ tục chỉ cần có 2 người nắm rõ sự việc xác nhận là được công nhận thành tích như Nghị định 28-CP/1994.

Từ đây, hành trình làm hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Lập như bước vào ngõ cụt.

Anh Đức ngậm ngùi: Có lẽ vì anh là con trai độc nhất lại ra Bắc học trong thời gian cha anh hy sinh, ông bà nội ngoại đều mất sớm, nên Ty Nông nghiệp-Thủy lợi Khu vực Vĩnh Linh không gửi giấy báo tử được vào thời điểm đó. Đồng thời những ngày ấy trong quá trình Ty Nông nghiệp-Thủy lợi Khu vực Vĩnh Linh sơ tán để tránh bom đạn Mỹ, chuyển đổi đơn vị đã làm thất lạc hết hồ sơ giấy tờ xác nhận hy sinh của ông Phạm Công Lập. Vì vậy anh không thể tìm đâu được “hồ sơ gốc” như yêu cầu của văn bản quy định mới.

Anh Phạm Công Đức òa khóc khi kể về hành trình làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho cha mình.

Bế tắc vì các quy định, thủ tục

Câu chuyện hơn 11 năm đi làm chế độ liệt sĩ cho cha của anh Phạm Công Đức không chỉ làm day dứt lòng người Quảng Trị, mà còn khiến cả đoàn làm phim quốc tế khi tiếp cận anh để làm bộ phim “Vĩ tuyến 17- cuộc chiến tranh nhân dân” không khỏi ngạc nhiên.

Không thể để sự thật bị quên lãng, không thể để người con độc nhất của liệt sĩ phải đau đáu loay hoay một mình với các văn bản, quy định vô cảm, các cơ quan chức năng các cấp ở tỉnh Quảng Trị tiếp tục tiếp sức cho anh Phạm Công Đức vì biết rõ sự hy sinh của ông Phạm Công Lập là sự thật.

Ngày 26/2/2013, Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị do ông Nguyễn Văn Bài làm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở, đã tổ chức họp, xác nhận trường hợp ông Phạm Công Lập hy sinh ngày 15/10/1967 là đúng sự thật; tại thời điểm bị trúng bom Mỹ còn có liệt sĩ Phan Thị Giao, công tác cùng đơn vị, đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Vì vậy, đề nghị cấp trên suy tôn ông Phạm Công Lập là liệt sĩ và cấp giấy chứng nhận hy sinh, giải quyết quyền lợi cho gia đình liệt sĩ Phạm Công Lập.

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 2

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét
công nhận liệt sĩ cho các trường hợp, trong đó có ông Phạm Công Lập.

Tiếp tục ngày 25/3/2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị có Giấy báo tử số 222/GBT-SNN về trường hợp ông Phạm Công Lập, sinh năm 1932, cấp bậc, chức vụ: Trưởng bộ phận tập đoàn, kiêm Trưởng dân quân tự vệ cơ quan của Ty Nông nghiệp-Thủy lợi Vĩnh Linh hy sinh trong khi được thủ tưởng đơn vị cử đi phục vụ chiến đấu tại trọng điểm Mỹ đang đánh phá ác liệt Ngã ba rú Lịnh, Vĩnh Linh. Thi thể mai táng tại Nghĩa trang dòng họ Phan, thôn Hương Nam, xã Vĩnh Kim, nay là xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã kiểm tra và xác minh trường hợp hy sinh của ông Phạm Công Lập là đúng sự thật. Vì vậy, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ hồ sơ tặng Bằng Tổ quốc ghi công và công nhận ông Phạm Công Lập là liệt sĩ.

Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH ngày 3/3/2009 về giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng đã hết thời hạn thực hiện từ ngày 30/6/2010. Vì vậy, không có cơ sở để xác nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ lập theo Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH; hiện không có văn bản hướng dẫn xác nhận liệt sĩ; người hưởng chính sách như thương binh trên cơ sở hai người làm chứng… Đề nghị Sở kiểm tra, nếu không đủ căn cứ thủ tục theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, thông báo cơ quan quản lý người hy sinh, được biết.

(Công văn số 368/NCC-CS1 của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời về trường hợp ông Phạm Công Lập ngày 23/4/2014)

Có được “bảo bối” là Giấy báo tử và đề nghị công nhận liệt sĩ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cấp, anh Đức vui mừng tiếp tục làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương đề nghị xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Phạm Công Lập. Các cơ quan chức năng ở Quảng Trị đã tập trung giải quyết đề nghị của anh Đức theo trách nhiệm và sự tôn kính của mình đối với những người đã không tiếc máu, xương hy sinh vì đất nước.

Cùng Giấy báo tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cấp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Công văn số 1403/UBND-VX, ngày 20/5/2013, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết hồ sơ công nhận ông Phạm Công Lập là liệt sĩ, hưởng chính sách tồn đọng theo thủ tục hồ sơ do hai người làm chứng.

Đề nghị này của tỉnh Quảng Trị, ngoài việc căn cứ vào quy định của Nghị định 28-CP/1994 và thực tế chiến trường Quảng Trị cũng như hồ sơ của anh Phạm Công Đức gửi có ba xác nhận về trường hợp cha anh hy sinh gồm: ông Nguyễn Thanh Toại và Nguyễn Ty Niên đều là Phó Ty Nông nghiệp-Thủy lợi, Đảng ủy viên Khu vực Vĩnh Linh giai đoạn 1955-1969; ông Trương Cảnh Tính, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cao su Quảng Trị, thời điểm 1967, ông Tính là cán bộ của Ty Nông nghiệp-Thủy lợi khu vực Vĩnh Linh. Ngoài ra còn có Giấy báo tử do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cấp.

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 3

Tờ trình số 1404 ngày 20/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị gửi
Bộ LĐ-TBXH đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Phạm Công Lập và 1 liệt sĩ khác.

Tuy nhiên, trái với mong đợi, hồ sơ của ông Lập đã bị chối từ. Phúc đáp Công văn số 1403/UBND-VX của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, ngày 24/3/2014, Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Công văn số 368/NCC-CS1 trả lời trường hợp ông Phạm Công Lập.

Cụ thể: Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH ngày 3/3/2009 về giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng đã hết thời hạn thực hiện từ ngày 30/6/2010 (có tuổi thọ chỉ 16 tháng-PV). Vì vậy, không có cơ sở để xác nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ lập theo Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH; hiện không có văn bản hướng dẫn xác nhận liệt sĩ; người hưởng chính sách như thương binh trên cơ sở hai người làm chứng… Đề nghị Sở kiểm tra, nếu không đủ căn cứ thủ tục theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, thông báo cơ quan quản lý người hy sinh, được biết.

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 4

Công văn trả lời số 368, ngày 24/3/2014 của Cục Người có công gửi UBND tỉnh Quảng Trị
nói rõ trường hợp ông Phạm Công Lập không có cơ sở để xác nhận hồ sơ
đề nghị công nhận liệt sĩ lập theo Kế hoạch 611/KH-LĐTBXH.

Trước tình hình này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị hướng dẫn thân nhân ông Phạm Công Lập lập hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng.

Nhận được hồi âm muốn hoàn thành hồ sơ công nhận liệt sĩ cho cha mình, phải làm theo một loạt nghị định, thông tư được hướng dẫn trên, anh Phạm Công Đức chán nản: “Tôi đã hết sức lực. Các văn bản của Bộ LĐ-TBXH xử lý sự việc của ông Phạm Công Lập, cha tôi, đã thể hiện sự vô cảm trước nỗ lực của gia đình. Những người làm chính sách ở địa phương cũng đã chứng nhận đầy đủ, làm hết lòng hết sức, nhưng dường như bất lực, bế tắc vì các quy định của thông tư, nghị định hướng dẫn”.

Anh Đức thắp hương lên bàn thờ xin cha ở dưới suối vàng tha thứ cho đứa con trai duy nhất không thể làm được một việc mà đáng lẽ ra là hiển nhiên không thể phủ nhận, và đáng lẽ ra phải được hoàn thành từ lâu khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ và ngày cha mình hy sinh cũng đã trôi qua 55 năm, vừa đủ một đời người rồi.

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 5

“Tuổi già, sức yếu, không biết anh Đức có còn đủ sức để sống và đòi danh dự cho cha mình nữa hay không”, chị Lê Thị Tịnh, vợ anh Đức chua xót. Còn anh Đức vẫn chưa hết hy vọng, vẫn ngày đêm cầu khẩn mong Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có lòng “trắc ẩn”, sớm có quyết định công nhận liệt sĩ cho cha anh để người còn sống cũng như người hy sinh được yên lòng.

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 6
Mộ của ông Phạm Công Lập và liệt sĩ Phan Thị Giao hy sinh cùng ngày, tháng, năm đang bên nhau ở nghĩa trang dòng họ Phan tại thôn Hương Nam, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (Ảnh trái). Ông Phạm Công Đức ( ngồi bên phải) và em ruột của bà Phan Thị Giao thắp hương cho bố và chị gái của mình (Ảnh phải)

Người dân xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh cũng như gia đình liệt sĩ Phan Thị Giao biết rõ trường hợp hy sinh của ông Phạm Công Lập và bà Phan Thị Giao. Thương ông Lập hy sinh rồi mà vẫn còn lận đận với thủ tục, chưa được công nhận liệt sĩ, phần mộ của ông Lập vẫn chưa được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, gia đình thân nhân liệt sĩ Phan Thị Giao cũng chưa đưa phần mộ của bà vào nghĩa trang liệt sĩ, để tạm ở nghĩa trang dòng họ Phan tại thôn Hương Nam, rồi xin phép cất bốc phần mộ ông Phạm Công Lập vào an táng sát bên mộ liệt sĩ Giao như tình đồng chí, đồng đội sống chết có nhau trong những ngày chiến tranh và cũng để tiện chăm sóc, hương khói đúng đạo lý của người Việt Nam…

Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 7
Một quả bom nổ… chia đôi nỗi niềm ảnh 8

(Còn nữa)

back to top