Bên cạnh các cơ sở, đơn vị sản xuất bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, vẫn còn không ít cơ sở nhỏ lẻ sản xuất bánh, kẹo mang tính chất “thời vụ”, cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm mầu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa vào nhằm gia tăng lợi nhuận.
Đáng lo ngại, “đánh” vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở đưa ra thị trường các loại bánh hình thù ngộ nghĩnh, nhiều mầu sắc từ phẩm mầu không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, hoặc trà trộn với sản phẩm có thương hiệu để lưu thông trên thị trường, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngày 13/8 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện tại một cửa hàng ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội bán nhiều sản phẩm bánh trung thu và bánh kẹo khác do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm này sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng hơn về chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm trước khi ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh.
Theo các chuyên gia lĩnh vực an toàn thực phẩm, nguyên liệu làm nhân bánh trung thu thường có trứng, thịt, xúc xích, lạp sườn, hoa quả… là những thứ dễ bị ô nhiễm và là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi; trong khi đó thời gian sử dụng bánh nướng, bánh dẻo thường không kéo dài.
Vì vậy, người tiêu dùng sử dụng bánh trung thu không bảo đảm chất lượng dễ bị ngộ độc cấp tính hoặc ảnh hưởng lâu dài đến các cơ quan nội tạng như gan, thận, đường tiêu hóa. Đáng lo ngại là người ăn vẫn thấy ngon, không hề cảnh giác với các yếu tố độc hại từ chất bảo quản, phẩm mầu… Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Trước các nguy cơ đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu. Chính quyền các cấp cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời truy xuất, thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu cần chấp hành các điều kiện về cơ sở, trang thiết bị dụng cụ sản xuất; về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, dùng nguyên liệu, phẩm mầu, hương liệu, phụ gia, bao bì rõ nguồn gốc, không vì lợi nhuận mà đánh đổi thương hiệu, uy tín của cơ sở mình để đưa ra thị trường những sản phẩm có hại với người tiêu dùng.
Mặc dù năm nào cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Trung thu, nhưng số vụ vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm, số ca ngộ độc do thiếu hiểu biết vẫn diễn ra. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết, chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không mua, không sử dụng sản phẩm không nhãn mác và thông báo kịp thời tới các cơ quan có trách nhiệm khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm.