Cùng với cả nước, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đang triển khai hiệu quả một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giúp ngành chăn nuôi tại các địa phương phát triển bền vững và hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển chăn nuôi an toàn bền vững, thì giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm. Lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học, trước tiên là sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn nuôi bền vững.
Tạo sản phẩm an toàn thực phẩm
Để có cái nhìn cụ thể về hiệu quả của chăn nuôi an toàn sinh học tại tỉnh Thái Bình, chúng tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đưa đi tham quan mô hình nuôi vịt Cherry SM3 thương phẩm an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Có năm hộ dân ở xã Vũ Đông và Đông Thọ (thành phố Thái Bình) tham gia với quy mô 3.850 con, thời gian nuôi 56 ngày. Bà Phạm Thị Hồng Oanh, một hộ nuôi ở xã Vũ Đông chia sẻ: Trong quá trình nuôi vịt phải đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn sinh học như chọn nguồn gốc vịt từ nhà cung cấp uy tín, vịt không mang theo các loại bệnh truyền nhiễm.
Sử dụng thức ăn và nước uống chất lượng cao, bảo đảm không chứa vi khuẩn, nấm mốc gây hại. Cùng với thực hiện kiểm soát an toàn sinh học một cách nghiêm ngặt bảo đảm phương tiện và người ra vào khu vực chăn nuôi phải qua quá trình sát trùng. Trong chuồng trại cũng được vệ sinh định kỳ, sử dụng các phương pháp sát trùng hiệu quả nhất. Việc thực hiện các quy trình kiểm soát và sát trùng đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro lây nhiễm bệnh tạo ra sản phẩm an toàn và tăng năng suất chăn nuôi.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Chiến: Thời gian tới, Thái Bình sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị. Tập trung chỉ đạo thực hiện tái đàn, tăng đàn vật nuôi linh hoạt, có kế hoạch, ưu tiên phát triển giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường để gia tăng khối lượng, giá trị sản phẩm, tránh tái đàn tự phát, không bảo đảm an toàn dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các giải pháp để bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu đàn giống vật nuôi.
Hộ chăn nuôi của chị Đinh Thị Thanh Thúy, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, là một trong những hộ tham gia mô hình Chăn nuôi lợn an toàn sinh học do tổ chức FAO và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện năm 2023-2024. Chị Thúy cho biết, hiện tại gia đình chị đang chăn nuôi trên diện tích 1,2 ha đất thuộc khu đa canh tập trung của xã cho nên có những điều kiện thuận lợi về an toàn sinh học như cách xa khu dân cư, chung quanh có hàng rào bảo vệ và ít người qua lại. Gia đình chị đã nâng quy mô đàn lợn nái lên thêm 10 con so với trước khi tham gia mô hình, năng suất đàn lợn nái đồng đều ổn định, cai sữa thường đạt 11-12 con.
Tuy nhiên, để có được sản phẩm chăn nuôi an toàn, chị Thúy nhận thấy việc đầu tiên là các hộ phải thật sự hiểu về an toàn sinh học, thấy rõ được các lợi ích của an toàn sinh học để quyết tâm thay đổi những thói quen chưa tốt. Chị Thúy cho biết: “Nhà tôi trước chỉ nghĩ đơn giản trong kho chứa có thể để vừa thức ăn, thuốc thú y lẫn hóa chất khử trùng, dụng cụ chăn nuôi. Dụng cụ chăn nuôi có thể để ngay tại chuồng, thuốc thú y dùng xong cũng để luôn đó cho tiện sử dụng. Hầu hết các hộ chăn nuôi chúng tôi không chú ý ghi chép sổ sách, cập nhật thường xuyên tình hình chăn nuôi mà chỉ để ý đến tổng thu, tổng chi để biết được lợi nhuận”.
Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Tiến Dũng, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động... Đặc biệt, trang trại đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo là máy phát điện khí sinh học EGreen giải quyết phần lớn khí biogas dư thừa, tiết kiệm chi phí tiền điện 15-20 triệu đồng mỗi tháng. Toàn bộ lượng chất thải được tách bã, ủ men vi sinh làm phân hữu cơ phục vụ cho hơn 10 mẫu đất trồng ngải cứu xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, tình hình chăn nuôi thời gian qua ở Nam Định khá ổn định, do người chăn nuôi đã có ý thức chăn nuôi sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ động ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, công nghệ sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, các trang trại, hộ nuôi áp dụng biện pháp xử lý chất thải phù hợp như xây dựng các bể biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học, hồ lắng sinh học, thu gom, xử lý ủ làm phân bón cho trồng trọt, sử dụng làm thức ăn cho cá...
Phát triển chăn nuôi bền vững
Chăn nuôi an toàn sinh học là một xu thế tất yếu. Những năm qua, ngành chăn nuôi của các tỉnh nam Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả khả quan, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn.
Ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Nam đã từng bước chuyển đổi theo hướng tăng quy mô trang trại, gia trại, giảm quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.192 trang trại chăn nuôi ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bốn hộ chăn nuôi lợn theo chứng nhận chăn nuôi VietGAP, 12 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và một cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao.
Hiện Nhà máy chế biến sữa Frieland Campina Hà Nam với công suất 56,7 triệu lít sữa/năm đang cùng với Nhà máy sữa Vinamilk Bắc Ninh đảm nhận thu mua 100% sản lượng sữa tươi của các cơ sở chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu nội bộ ngành chăn nuôi: chăn nuôi lợn chiếm khoảng 63,5%; chăn nuôi gia cầm chiếm 30%; chăn nuôi trâu, bò chiếm 3,7% và chăn nuôi khác 2,8%.
Hộ chăn nuôi của anh Nguyễn Tiến Đạt, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có quy mô đàn lợn nái dao động thường xuyên từ 80 đến 120 con. Từ năm 2023, gia đình anh chuyển sang chăn nuôi lợn thịt và lợn nái theo hướng an toàn sinh học, từ đó năng suất chăn nuôi đã có những thay đổi vượt bậc. Hiện tại, số con cai sữa/lứa đạt tối thiểu 11-12 con, tăng gấp đôi so với thời gian trước, năng suất lợn thịt, độ đồng đều, tiêu tốn thức ăn và các bệnh thông thường đều được cải thiện.
Đây có lẽ cũng là kết quả minh chứng rõ ràng nhất cho những thay đổi của trại khi áp dụng đúng quy trình và các biện pháp an toàn sinh học của gia đình anh Đạt cũng như những gia đình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ở Hà Nam. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Trương Quốc Hưng cho rằng: Phát triển chăn nuôi theo an toàn sinh học là một trong những chủ trương, định hướng chung của Nhà nước về chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nam Định là địa phương có 440 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo Luật Chăn nuôi năm 2018, với 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hơn 150 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và hơn 280 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Chủng loại vật nuôi khá đa dạng, trong đó đàn lợn chiếm số lượng lớn với gần 632 nghìn con; gần 6.700 con gà. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho biết: Chăn nuôi ở tỉnh Nam Định những năm gần đây chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung công nghiệp và bán công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Còn lại phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ còn nhiều hạn chế. Tại các vùng chăn nuôi tập trung với mật độ cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao dễ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Việc kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển, giết mổ, đặc biệt là giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn, nguy cơ lây lan mầm bệnh rất cao.
Sự phát triển của công nghệ giống di truyền cũng như việc tiếp cận sớm các giải pháp kỹ thuật, được tập huấn về an toàn sinh học thông qua các dự án khuyến nông, đã thúc đẩy ngành chăn nuôi các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình có những chuyển biến rõ rệt. Năng suất, hiệu quả chăn nuôi được nâng lên, đối tượng chăn nuôi quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư giảm, công tác phòng bệnh, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Các địa phương đã xây dựng các mô hình điểm về an toàn sinh học đối với các đối tượng vật nuôi khác nhau để cán bộ chuyên môn cũng như người chăn nuôi có thể học hỏi, áp dụng. Công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về an toàn sinh học giúp nâng cao nhận thức của người chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi chuyên nghiệp. Người dân đã có ý thức đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến như: công nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học, tự động hóa trong chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh đi đôi với quan tâm kết nối thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định để kích thích sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu giống vật nuôi; nâng cao giá trị ngành chăn nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào sản xuất n