Kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, thành phố Hà Nội phát hiện hơn 1.800 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực trạng này cho thấy thành phố cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm.

Mới đây, Công an Thành phố Hà Nội lần theo đường dây buôn bán xúc xích không an toàn từ một hàng quán ở cổng trường học, từ đó, phát hiện năm, sáu đầu mối khác và kho hàng chứa hơn 10 tấn xúc xích không an toàn. Lực lượng chức năng đã thử nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài trời nắng trong bảy ngày, nhưng xúc xích không hề bị ôi thiu.

"Chúng tôi nghi sản phẩm này có sử dụng Formol (chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm) để bảo quản. Nếu số xúc xích này được tiêu thụ hết tại các cửa hàng tạp hóa, hàng rong ở cổng các trường học thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của khách hàng", đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết. Ngày 4/6, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội cũng phát hiện và thu giữ hơn một tấn thực phẩm không an toàn trên địa bàn quận Tây Hồ. Đây chỉ là một vài vụ trong số hàng loạt các vụ việc được các ngành chức năng phát hiện, xử lý.

Cục trưởng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: "Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng lớn nhưng số người làm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lại rất mỏng. Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu "nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia" thì chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" không thể xử lý hết được".

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, thành phố thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại 12.509 cơ sở, phát hiện 1.814 cơ sở vi phạm. Trong đó, 1.679 cơ sở bị xử lý, phạt hơn 8,8 tỷ đồng; 135 cơ sở bị nhắc nhở, yêu cầu khắc phục; bảy cơ sở tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và huyện Mê Linh bị đình chỉ hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp chế biến chưa bảo đảm, có côn trùng, động vật gây hại, hệ thống thoát nước hở, ứ đọng; cơ sở không ghi chép hoặc ghi không đúng sổ kiểm thực 3 bước; ghi thông tin trên nhãn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm không đúng… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết quy định về an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm…

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm không chỉ gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện tự công bố sản phẩm, mà còn khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm. Thêm vào đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động gây khó khăn trong quản lý.

Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn, kết quả còn hạn chế. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu thực tế, hiện 60% nguồn thực phẩm ở các chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Trong số hơn 500 chợ mới chỉ có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm, chiếm tỷ lệ rất thấp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân, thay đổi thói quen và tư duy sản xuất, tiêu dùng. Để làm được điều đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường quản lý chợ truyền thống, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống giết mổ tập trung, có chế tài xử lý nghiêm hơn với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.