Thiếu đi sự chở che, những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, lại phải tiếp tục đối mặt những thách thức nghiêm trọng.
Các phái bộ gìn giữ hòa bình và phái bộ chính trị được thành lập nhằm bảo vệ người dân, tạo điều kiện triển khai công tác nhân đạo, hỗ trợ nỗ lực đàm phán hòa bình và tiến trình chuyển tiếp ở những khu vực có xung đột.
Bên cạnh đó, các hoạt động của Liên hợp quốc cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán, các cơ chế thực hiện thỏa thuận hòa bình, bầu cử…
Đóng vai trò quan trọng như vậy, song vì nhiều nguyên nhân, một số phái bộ lại phải ngừng hoạt động khi các mối đe dọa an ninh chưa dứt, tình hình chính trị vẫn căng thẳng, cũng như các mối lo ngại khác chưa có lời giải.
Trước khi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền chuyển tiếp, nước này ghi nhận những tiến bộ trong trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc MINUSMA chấm dứt sứ mệnh tại Mali ảnh hưởng tiêu cực nỗ lực duy trì những kết quả đã đạt được, trong đó có các chương trình xây dựng hòa bình mà phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Những lời kêu gọi bảo vệ các thành quả về bình đẳng giới được đưa ra trước khi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Haiti (MINUSTAH) kết thúc nhiệm vụ.
Dù vậy, tình trạng bắt cóc, cưỡng bức và bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái do các nhóm tội phạm gây ra vẫn leo thang những năm qua và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Việc các phái bộ rời khỏi những điểm nóng ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo cũng dẫn đến tình trạng mất an ninh, khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành mục tiêu của các nhóm vũ trang.
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahous, dù phải đối mặt mức độ xung đột và bạo lực chưa từng có, song lực lượng gìn giữ hòa bình lại giảm gần một nửa từ khoảng 121.000 người năm 2016 xuống còn khoảng 71.000 người năm 2024. Bà Bahous lo ngại rằng, các phái bộ rời đi đã để lại những khoảng trống; phụ nữ và trẻ em gái ở những khu vực xung đột đang trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Thực trạng nêu trên cho thấy, lực lượng gìn giữ hòa bình rút đi có thể xóa nhòa những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ giải quyết tình trạng xung đột, bạo lực.
Do đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh gần đây, đại diện các quốc gia, tổ chức tham dự kêu gọi Hội đồng Bảo an bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong tiến trình chuyển tiếp tại những nơi xảy ra xung đột. Bà Francess Alghali, Thứ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Sierra Leone, nước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8/2024, khẳng định việc hỗ trợ phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán và thực hiện các thỏa thuận hòa bình không chỉ nhằm bảo đảm bình đẳng mà còn là điều cần thiết đối với nền hòa bình bền vững.
Tại cuộc họp, nhiều nước cho rằng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực nên được xem là ưu tiên hàng đầu. Việc co hẹp hoạt động hoặc rút hoàn toàn các lực lượng gìn giữ hòa bình cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, không làm mất đi những thành quả khó khăn mới đạt được. Bên cạnh đó, vấn đề huy động tài trợ, phân bổ nguồn lực hiệu quả cũng cần được chú trọng.
Như Giám đốc điều hành UN Women khẳng định, một tương lai mà phụ nữ phải hứng chịu xung đột và bạo lực, bị gạt ra ngoài tiến trình hòa bình là điều không thể chấp nhận.
Bởi vậy, cộng đồng quốc tế cần chung tay vượt qua những trở ngại, tăng cường nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 5 là đạt bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, cũng như nhiều chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.