Từ trại tị nạn Hy Lạp, cô gái Afghanistan truyền cảm hứng trao quyền cho phụ nữ

NDO -

Trong 1 lớp mỹ thuật nhỏ tại trại tị nạn Thiva, miền trung Hy Lạp, Roya Rasuli đang hướng dẫn các trẻ em gái vẽ tranh. Đối với Rasuli, đây cũng là 1 cách để giúp các em hiểu thêm về trao quyền cho phụ nữ.

Roya Rasuli giới thiệu một trong những bức vẽ của cô tại trại tị nạn Thiva, Hy Lạp, ngày 3/3/2022. (Ảnh: REUTERS)
Roya Rasuli giới thiệu một trong những bức vẽ của cô tại trại tị nạn Thiva, Hy Lạp, ngày 3/3/2022. (Ảnh: REUTERS)

"Thông điệp dành cho phụ nữ và các trẻ em gái là gì?" Rasuli hỏi. "Trở nên mạnh mẽ!" một trong những học viên của lớp học nhỏ đáp.

Lớp mỹ thuật của Rasuli được tổ chức hàng tuần nhờ 1 chương trình do UNICEF tài trợ và được điều hành bởi tổ chức từ thiện Solidarity Now của Hy Lạp.

Trên bức tường màu xanh phía sau Rasuli treo một số tác phẩm mà cô gái 18 tuổi đã sáng tác, bao gồm bức tranh vẽ phỏng theo tấm hình nổi tiếng "Cô gái Afghanistan", với chiếc khăn trùm đầu mầu đỏ và đôi mắt xanh đầy ám ảnh đã từng được lên trang bìa của tạp chí National Geographic năm 1985.

Bức ảnh nổi tiếng thế giới đã trở thành biểu tượng khắc họa nỗi ám ảnh về xung đột và bạo lực ở Afghanistan. Nhưng khác với phiên bản nhiếp ảnh, Rasuli lại vẽ "Cô gái Afghanistan" không có miệng.

Từ trại tị nạn Hy Lạp, cô gái Afghanistan truyền cảm hứng trao quyền cho phụ nữ -0
Những bức tranh của Rasuli treo trên tường lớp mỹ thuật tại trại tị nạn Thiva. (Ảnh: REUTERS)

"Tôi muốn mọi người thấu hiểu thêm về tình cảnh của phụ nữ ở Afghanistan, bởi họ không thể nói, không được lắng nghe và cũng không có quyền", Rasuli nói.

"Tôi nghĩ đây có thể là hoàn cảnh chung của rất nhiều phụ nữ khác. Có thể là ở Syria, có thể ở Iraq, có thể ở Pakistan, hay thậm chí là ở một số quốc gia châu Âu".

Sinh ra ở Iran trong 1 gia đình người tị nạn Afghanistan, Rasuli chưa từng cầm cọ vẽ trước khi đến Hy Lạp 3 năm trước, nhưng kể từ đó cô đã tự học vẽ và cũng tự học cả tiếng Anh.

Rasuli hiện sống tại trại Thiva cùng với khoảng 500 người tị nạn khác, hầu hết là người Afghanistan. Đây là một trong số hàng chục trại tị nạn được lập ra trên khắp Hy Lạp kể từ cuộc khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu bùng phát năm 2015, khi gần 1 triệu người tị nạn và người di cư trốn chạy khỏi xung đột và đói nghèo từ Trung Đông đến lục địa châu Âu thông qua cửa ngõ Hy Lạp.

Cô gái Afghanistan thường rời trại lúc 5 giờ sáng để bắt xe buýt trên hành trình 1 tiếng rưỡi đến lớp học vẽ ở Trường Mỹ thuật Athens. Rasuli đang hy vọng sẽ nhận được học bổng để học toàn thời gian.

Từ trại tị nạn Hy Lạp, cô gái Afghanistan truyền cảm hứng trao quyền cho phụ nữ -0
Rasuli hoàn thiện bức tranh tường tại trại tị Thiva. (Ảnh: REUTERS)

Cô nói: "Khi tôi bắt đầu vẽ, giống như là tôi đang trên hành trình trong 1 thế giới khác, ở 1 nơi khác có yên bình".

Trong 1 bức tranh khác của Rasuli theo phong cách "Đêm đầy sao" của danh họa Vincent van Gogh, có hình ảnh 1 người phụ nữ Afghanistan mặc áo choàng burqa màu xanh da trời truyền thống đang chơi guitar.

"Tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ Afghanistan có thể trở thành bất cứ ai mà bản thân mong muốn... Họ tự do làm bất cứ điều gì, tự tin vào năng lực của bản thân và những gì họ muốn làm. Điều tốt nhất là được là chính mình và được nói ra", Rasuli nói.

Cô cũng hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ khác theo đuổi mục tiêu của mình.

"Tôi đã thay đổi cuộc đời mình nhờ những hy vọng và ước mơ của chính bản thân", Rasuli nói. "Tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp phụ nữ Afghanistan thấy rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và được tự do".