Hát Then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: Hát, nhạc, nhảy múa và trang phục nhằm hướng tới mục đích chữa bệnh, giải hạn, cầu tự, cầu phúc lộc và giao duyên. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tâm linh, hát Then còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ và tín ngưỡng trong cuộc sống hằng ngày.
Hát Then có thể hát đơn, hát đôi hoặc hát đối đáp theo kiểu ngẫu hứng. Nhạc đệm là cây đàn tính hai dây do các nghệ nhân tự sáng tạo. Quảng Ninh đã có những Nghệ nhân Ưu tú như: Hà Thị Phương, Nông Thị Sin, Hoàng Thiêm Thành, Lương Thiêm Phú, Nông Thị Hang và nhiều nghệ nhân dân gian khác. Người Tày hát Then để cầu chúc cho nhau sự an khang, mùa màng tốt tươi, để trao gửi tâm tình, để cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong cuộc sống. Hát Then của người Tày huyện Bình Liêu (còn gọi là diễn xướng Then) thể hiện dưới hai hình thức, cụ thể là: diễn xướng Then văn nghệ và diễn xướng Then nghi lễ.
Để bảo tồn và phát huy giá trị hát Then, những năm qua, huyện Bình Liêu đã giao Trung tâm Truyền thông và Văn hóa mở các lớp truyền dạy theo hướng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông-Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: Mới đây, Quảng Ninh đã “mang Then” đi tham gia Liên hoan Đàn hát dân ca ba miền và đây cũng là cơ hội để Then Tày Quảng Ninh được giới thiệu với đông đảo người dân các vùng miền trên cả nước. Có thể khẳng định, hát Then đã đóng vai trò như một đại sứ văn hóa, góp phần quảng bá vùng đất, con người và văn hóa Quảng Ninh nói chung, huyện Bình Liêu nói riêng đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Hiện tại huyện Bình Liêu đã thành lập các câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và cấp thôn, khu. Trong đó, xã Hoành Mô có ba câu lạc bộ thôn là Pắc Pộc, Đồng Thanh, Đồng Mô; thị trấn Bình Liêu có bốn câu lạc bộ khu gồm Nà Kẻ, Nà Làng, Chang Nà và Chang Chiếm. Mỗi câu lạc bộ cấp xã có từ 20 đến 30 hội viên; cấp thôn, khu có từ 15 đến 20 hội viên tham gia sinh hoạt, thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn, tham gia các hội thi, hội diễn, trao đổi học tập lẫn nhau.
Các câu lạc bộ văn nghệ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị hát Then truyền thống. Ngày nay, Then được các nghệ nhân đặt lời mới, cải tiến nhạc để dễ thực hành trong cuộc sống và biểu diễn trên sân khấu. Nội dung phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi, phản ánh tinh thần tiến bộ, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh.
Tuy nhiên, trước sự giao thoa, xâm lấn của các yếu tố văn hóa ngoại lai, Then nghi lễ đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong việc bảo tồn hát Then hiện nay cách làm hiệu quả nhất vẫn là đưa hát Then vào trong các mô hình câu lạc bộ.
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Then cho cộng đồng dân tộc huyện Bình Liêu đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Giá trị nghệ thuật hát Then của người Tày ở huyện Bình Liêu có ý nghĩa không chỉ đối với việc phát triển đời sống văn hóa, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của địa phương, mà còn đóng góp một phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.