Tính đến 9 giờ sáng 8/9, huyện Sơn Dương là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại nhất do bão số 3 với 41 nhà dân bị tốc mái (còn lại là nhà dân tại huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa); hơn 466ha lúa, 19,5ha ngô, hơn 106ha cây màu khác bị ngập úng, đổ rạp; 49ha cây lâm nghiệp và 131 cây xanh ven đường trục xã, thôn bị gãy đổ.
Mưa lớn cũng làm sạt lở taluy với hơn 500m3 đất tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Làm chết 103 con gia súc, gia cầm; 11 cột điện đường dây 0,4KV và 3pkm đường điện thắp sáng đường quê bị đổ, hư hỏng.
Nhà dân tại huyện Sơn Dương bị bay mái tôn. |
Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương đã chỉ đạo các xã bị thiệt hại huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ có nhà bị cây đổ vào nhà và bị tốc mái khắc phục hậu quả; dọn dẹp cây xanh bị gãy đổ ven đường để đảm bảo an toàn giao thông và hướng dẫn nhân dân biện pháp khắc phục, sớm khôi phục sản xuất đối với diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng ngay sau khi thời tiết thuận lợi.
Cây đổ vào nhà dân tại huyện Sơn Dương, rất may không có thiệt hại về người. |
Dự báo đến ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn tiếp tục có mưa vừa và rải rác có dông. Trong mưa dông cần để phòng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Có khả năng gây ra lũ quét, lũ ống trên sông suối nhỏ; sạt lở đất, đá ở các sườn đồi, núi và các taluy dương có độ dốc lớn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Lãnh đạo các huyện trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá để chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Người dân thôn Ba Nhà xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, dọn dẹp những cây xanh bị đổ tại tuyến đường liên thôn. |
Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ; chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình: cầu, ngầm, tràn, đê, kè, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi...
Chủ động theo dõi thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ để có biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chống ngập úng khu đông dân cư và khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Lực lượng vũ trang trực 100% lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.