Bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động bay

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, số tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hiện đạt 281 tàu bay, trong đó có 250 tàu bay cánh bằng (độ tuổi trung bình 7,95 năm), 31 trực thăng (độ tuổi trung bình 15,6 năm) tăng bốn tàu bay so với cùng kỳ năm 2022. Trong sáu tháng qua, dựa theo các chỉ số trên 1.000 chuyến bay, sự cố mức C giảm 65%, mức D giảm 35% và mức E giảm 23% so với cùng kỳ; sự cố liên quan đến kỹ thuật tăng 11% và sự cố liên quan đến con người tăng 12,5%.
0:00 / 0:00
0:00

Ngành đã để xảy ra một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng liên quan đến máy bay trực thăng Bell 505 ngày 5/4 tại khu vực biển, giáp ranh xã Gia Luận (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) khiến 5 người chết; 45 sự cố uy hiếp an toàn bay; trong đó, có ba sự cố mức C liên quan đến hỏng động cơ tàu bay trong quá trình bay và nhất là một sự cố mức B, liên quan đến vi phạm khoảng cách an toàn khiến hai tàu bay suýt va chạm nhau trong quá trình cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Sự cố hai máy bay suýt va chạm nhau vừa qua là nguy cơ nghiêm trọng cho nên các đơn vị của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm, khắc phục "lỗ hổng" nhằm bảo đảm điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả; bình giảng sự cố đối với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra các vụ việc, sự cố tương tự.

Xác định đây là những sự cố hàng không nghiêm trọng, có thể uy hiếp an toàn bay đối với các lĩnh vực như khai thác tàu bay, quản lý hoạt động bay, quản lý cảng hàng không sân bay, sân bay, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân sự cố.

Trên cơ sở kết luận điều tra, đưa ra khuyến cáo an toàn cho các đơn vị liên quan, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời trong tất cả lĩnh vực liên quan đến vận tải hàng không dân dụng và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Nhà chức trách hàng không rà soát quy trình an toàn, an ninh và quản lý cảng hàng không, sân bay về giám sát nhân viên hàng không tuân thủ quy định bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, khắc phục các vướng mắc (nếu có) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn giao thông.

Cục cần giám sát các cơ quan, đơn vị cung cấp các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay nghiêm túc thực hiện quy trình khai thác, bảo đảm tuyệt đối an toàn bay; xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân vi phạm không tuân thủ quy trình, chậm báo cáo sự cố an toàn theo quy định; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu vật ngoại lai xuất hiện tại khu bay.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) siết chặt quản lý, có cơ chế giám sát cơ sở bảo đảm hoạt động bay từ cấp lãnh đạo đến cán bộ để kịp thời phát hiện, xử lý mọi yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, xây dựng quy chế báo cáo an toàn, khi xảy ra vụ việc, tình huống đột xuất phải kịp thời báo cáo theo đúng quy định.

Sự cố hai máy bay suýt va chạm nhau vừa qua là nguy cơ nghiêm trọng cho nên các đơn vị của VATM phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm, khắc phục "lỗ hổng" nhằm bảo đảm điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả; bình giảng sự cố đối với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra các vụ việc, sự cố tương tự.

Các cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không rà soát quy định về giám sát nhân viên hàng không tuân thủ quy định an toàn, an ninh hàng không. Quán triệt, yêu cầu thành viên tổ bay, nhân viên hàng không,… nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ nghiêm quy trình bảo đảm an toàn hoạt động của phương tiện, trang thiết bị nhằm ngăn ngừa tai nạn, sự cố uy hiếp an toàn hàng không.