Hà Nội sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính cấp xã mới

Nhận thức rõ việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là việc lớn, khó và nhạy cảm, nhất là việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, nhiều đơn vị tại thành phố Hà Nội đã triển khai các giải pháp sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời tạo các điều kiện tốt nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đồng thuận cao khi được lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính. (ảnh: Thùy Linh)
Người dân phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đồng thuận cao khi được lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính. (ảnh: Thùy Linh)

Bài 2: Tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, hiện thành phố đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 để bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2025. Tại các quận, huyện, thị xã, nhiệm vụ này cũng được triển khai một cách rốt ráo.

Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Ba Đình Nguyễn Mạnh Cường, từ năm 2023, quận đã tạm dừng thi tuyển công chức cấp phường, để dành các vị trí để bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập. Hiện biên chế cấp phường của quận còn thiếu khoảng 30 người, quận sẽ bố trí bảy công chức dôi dư sau sắp xếp sang các phường còn thiếu. Với đội ngũ cán bộ là trưởng các đoàn thể, quận đề xuất thành phố xét chuyển thành công chức nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng đề án vị trí việc làm.

Hà Nội sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính cấp xã mới ảnh 1
Cán bộ phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tại nhà cho người có công (Ảnh: Cao Chính).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận Ba Đình đang tiến hành các bước sáp nhập phường Trúc Bạch và phường Nguyễn Trung Trực, trong giai đoạn đầu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có sự xáo trộn, khó khăn nhất định. Trong đó, người dân và doanh nghiệp sẽ mất thêm thời gian chuyển đổi một số giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Nhận thức được vấn đề này, Ủy ban nhân dân quận phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch đáp ứng việc thay đổi giấy tờ có liên quan, như: Căn cước công dân, đăng ký kinh doanh...; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí.

Huyện Ứng Hòa là đơn vị giảm nhiều đơn vị hành chính nhất của thành phố Hà Nội, từ 29 xã, thị trấn còn 20 xã, thị trấn (giảm chín đơn vị) và đến nay tình hình đều ổn định.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hoà) Nguyễn Duy Chuyên, người dân đi từ chỗ xa nhất đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã mới là khoảng 13 km, nhưng hiện nay việc thực hiện Đề án 06 đã giúp tiết kiệm thời gian, để người dân đỡ phải đi lại nhiều, cho nên việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng khá thuận lợi. Đối với đội ngũ cán bộ, nhất là với cán bộ đoàn thể, nếu nghỉ công tác sớm thì thu nhập rất thấp, do đó đề nghị thành phố, huyện có chế độ chính sách phù hợp để động viên và ổn định đời sống những cán bộ dôi dư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau khi nhận được thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15, ông đã chủ động viết đơn xin nghỉ dù vẫn còn gần chục năm công tác. “Tôi đủ năm công tác để nhận lương hưu rồi, cũng được thành phố hỗ trợ nữa, nên xác định nghỉ sớm cho vui khỏe”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, Chủ tịch xã Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, dù việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính được triển khai từ đầu năm 2024, nhưng đội ngũ cán bộ, công chức của xã vẫn làm tốt nhiệm vụ, không ảnh hưởng đến công việc chung. Điều này thể hiện qua việc các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của xã Cao Thành đến nay đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cũng với tinh thần ấy, dù phải “chia nửa” để phần lớn diện tích sáp nhập vào phường Bách Khoa và một phần sáp nhập vào phường Thanh Nhàn, nhưng mới hết tháng 10/2024, phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) đã thu ngân sách đạt 103% kế hoạch. Cùng với đó, các công việc vẫn “chạy”, không để người dân chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính, không có phản ánh về thái độ của cán bộ, công chức. “Chúng tôi rất yên tâm và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cầu Dền Hoàng Anh Tuấn nói.

Ngay sau khi hoàn thành sắp xếp lại bảy phường (Cầu Dền, Bách Khoa, Đống Mác, Đồng Nhân, Thanh Nhàn, Bạch Mai, Quỳnh Lôi), bốn phường mới của quận Hai Bà Trưng sẽ bố trí riêng một bộ phận hướng dẫn và thông báo ngày cụ thể để người dân ra thực hiện thủ tục hành chính.

“Tinh thần của quận theo đúng chủ trương chung là vừa miễn phí, vừa tạo điều kiện tối đa cho người dân trong quá trình chuyển đổi giấy tờ phù hợp với địa giới hành chính mới. Hơn nữa, hiện đã rất thuận lợi, do nhiều thủ tục hành chính có thể thực hiện trực tuyến”, Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng chia sẻ.

Hà Nội sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính cấp xã mới ảnh 3
Cử tri thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) đồng tình khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thực tế trước đây trong giai đoạn 1 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội, tại một số quận, huyện đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an thành phố đến tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm thủ tục hành chính cho người dân.

Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã này, đối với toàn bộ giấy tờ để thay đổi địa danh, tên gọi đơn vị hành chính, thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chuyên môn lập các tổ công tác trực tiếp đến địa bàn thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân, với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn, tránh phiền hà. Người dân làm căn cước công dân, hộ khẩu hay các giấy tờ liên quan sẽ được miễn phí hoàn toàn và trả kết quả nhanh nhất có thể.

Đối với phần trụ sở công, lãnh đạo Sở Nội vụ nhấn mạnh, tinh thần của thành phố là những trụ sở dôi dư sau sắp xếp, nhất là trụ sở tại khu vực nội thành sẽ không chuyển mục đích sử dụng, mà ưu tiên chuyển đổi thành các thiết chế văn hóa, xã hội để phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Tại huyện Gia Lâm, đối với các công trình, tài sản dôi dư khác thuộc quản lý của địa phương, huyện sẽ xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, bảo đảm thiết thực. Huyện cũng sẽ lập kế hoạch, dự toán, cấp bổ sung kinh phí phục vụ việc cải tạo, chuyển đổi công năng, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng mục đích sử dụng mới.

Với quận ở khu vực lõi đô thị như Hai Bà Trưng, việc có thêm phần diện tích chung càng quý. “Chúng tôi đã lên phương án sắp xếp, sử dụng các trụ sở dôi dư sao cho hiệu quả, tránh lãng phí”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nguyễn Quang Trung khẳng định.

Cùng với việc khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2026-2030 cho phù hợp sau khi có quyết định về điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và phân loại đô thị; hoặc bị chia cắt bởi các trục giao thông lớn như đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô hay đường sắt đô thị, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện bảo đảm dân chủ, khách quan, khoa học và kỹ lưỡng”.