Chiều tối 11/10, Đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về việc rà soát, điều phối nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công cho các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long.
Đẩy nhanh tiến độ cung ứng cát
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tổng lượng cát cung ứng cho các dự án cao tốc của Trung ương năm 2023 là 4 triệu m3, gồm: Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu: 0,7 triệu m3, cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau: 3,3 triệu m3.
Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã dự kiến 3 mỏ cát phục vụ cung ứng cát cho dự án (mỏ cát tại thành phố Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự và huyện Châu Thành). Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẩn trương thực hiện các thủ tục để đưa vào khai thác, cung ứng cho các dự án, bảo đảm cung ứng đáp ứng tiến độ công trình.
Khắc phục tình trạng thiếu cát xây dựng cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngay trong tháng 9 và tháng 10, trên cơ sở rà soát, đề xuất của Sở Giao thông vận tải tỉnh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh và Tổ Điều phối cát của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xem xét, thống nhất chủ trương tạm điều chuyển 121.011m3 cát để ưu tiên cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thi công san lấp một số hạng mục công trình.
Đối với cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau, Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát (năm 2023 cung ứng 3,3 triệu m3 cát phục vụ công trình). Để cung ứng đủ 7 triệu m3 cát theo yêu cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã báo cáo Trung ương bố trí cung ứng theo yêu cầu. Cụ thể, đã cung ứng xong 371.000m3 (tăng 50% công suất cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù).
Tỉnh giới thiệu 6 mỏ cát cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù. Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện lập các hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Qua khảo sát, thực hiện thủ tục của nhà thầu, 5/6 mỏ cát có thể khai thác để đáp ứng yêu cầu. Trữ lượng xác định ban đầu 5/6 mỏ khoảng 3.484.771m3/6.620.000m3.
Mỏ cát xã Định Hòa, huyện Lai Vung có trữ lượng cát thấp và chất lượng cát chủ yếu là bùn, không bảo đảm yêu cầu chất lượng cát san lấp cao tốc. Bên cạnh đó, các mỏ cát còn lại giảm diện tích khu vực mỏ tại các vị trí đã đạt hoặc sắp đạt cao trình cho phép khai thác và tăng khoảng cách từ bờ đến khu vực khai thác theo quy định (tối thiểu 210m).
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 20/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao 1 mỏ cát tại thực địa (Mỏ xã An Nhơn, huyện Châu Thành) để nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1 tiến hành khai thác. Còn lại 4 mỏ đã thông qua Hội đồng thẩm định trữ lượng. Hội đồng đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM), phấn đấu trong tháng 10/2023 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ hoặc giới thiệu các mỏ mới để giao nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, với trách nhiệm được giao, Đồng Tháp cam kết sẽ cung ứng đầy đủ số lượng cát cho công trình giao thông trọng điểm theo yêu cầu của Chính phủ. Tỉnh cũng đã bắt tay vào lộ trình chuẩn bị cho việc cung ứng cát.
Giám sát chặt tiến độ khai thác
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Trong đó, cần làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Khoáng sản cát sau khi khai thác để cung ứng cho công trình cao tốc phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí theo quy định. Do đó, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc áp dụng cơ chế giá tại mỏ làm căn cứ xuất hóa đơn theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, điều quan trọng nhất mà tỉnh quan tâm đó là tiến độ khai thác và bảo đảm yếu tố an toàn kỹ thuật về môi trường. Do đó, tỉnh đề nghị phải có bảng tiến độ khai thác cụ thể của đơn vị thi công và tỉnh sẽ giám sát theo bảng tiến độ này.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng để đầu tư cho vùng, trong đó có việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. |
Bộ trưởng cho rằng, việc thực hiện cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, trong đó, vai trò của địa phương rất quan trọng để các công trình, dự án giao thông trọng điểm có thể sớm hoàn thành được mục tiêu đặt ra.
Bộ trưởng đánh giá cao Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát, làm quy trình bài bản, cẩn trọng, phối hợp rất tốt với các bộ, ngành trong việc cung ứng nguồn cát cho các tuyến cao tốc.
Bộ trưởng thống nhất với kiến nghị cho khảo sát, tiến hành đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu để xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản, từ đó có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Hiện nay, các đơn vị có kiểm tra việc khai thác theo định kỳ hằng quý, có thể kiểm tra đột xuất bằng các trang thiết bị. Nếu cần thiết, các cục của bộ sẽ có trang thiết bị siêu âm hỗ trợ cho Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để quản lý mỏ cát khai thác.
“Tuyệt đối không được lợi dụng chính sách áp dụng cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông trọng điểm để vi phạm như khai thác cát trái phép, mua bán, vận chuyển không hóa đơn. Bộ đề nghị tỉnh Đồng Tháp, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra đột xuất, đo độ sâu đột xuất”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu.
Theo khảo sát, hiện lượng cát bồi phù sa hằng năm của lưu vực sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang sụt giảm nghiêm trọng do các tác động phía thượng nguồn. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chuyên môn Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá lại toàn diện khả năng cung ứng vật liệu cát trên lưu vực, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp; vừa bảo đảm khai thác vật liệu phục vụ cho công tác xây dựng hạ tầng, vừa chống sạt lở, xói mòn, phù hợp với các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu.