Ngày càng tinh vi, manh động
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trữ lượng cát san lấp được thăm dò ở các vùng sông, biển Thành phố Hồ Chí Minh hơn 35,8 triệu m3, phần lớn nằm ở 11 mỏ cát trên biển Cần Giờ, cụ thể là biển Cần Giờ có trữ lượng cát nhiễm mặn lớn (dùng làm cát san lấp) chiếm khoảng 35 triệu m3. Các đối tượng “cát tặc” không từ một thủ đoạn nào để khai thác trái phép.
Theo thông tin từ các ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2019 - 2022, thành phố đã bắt, xử lý 365 vụ, tịch thu 208 phương tiện, 64.983 m3 cát và xử phạt khoảng 6 tỷ đồng với các đối tượng khai thác cát trái phép... Thế nhưng tình hình vẫn rất phức tạp.
Là một trong những địa phương “nóng” về nạn khai thác cát trái phép, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho hay, giai đoạn 2019 - 2022, huyện đã phát hiện 70 trường hợp, đã xử phạt 64 trường hợp với số tiền hơn 200 triệu đồng và tịch thu nhiều tang vật như máy hút cát... Hiện, công tác phòng chống khai thác cát trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Triển bày tỏ, do vùng biển rộng, giáp ranh nhiều địa phương nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện và truy đuổi, các đối tượng bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau, gây khó khăn cho công tác truy bắt. Thậm chí, các đối tượng luôn canh gác, cảnh giới khu vực ở các trạm, chốt nên khi triển khai lực lượng, phương tiện tuần tra, chúng dễ phát hiện để chạy trốn hoặc đánh chìm các phương tiện. “Chúng rất manh động khi sử dụng ghe gắn máy có công suất lớn, sẵn sàng đâm vào phương tiện của lực lượng chức năng để tẩu thoát”, ông Triển nói.
Một điểm “nóng” khác là huyện Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Đức cho hay, các đối tượng khai thác cát rất manh động, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó lực lượng chức năng; nguồn kinh phí phục vụ công tác định giá tang vật vi phạm về hoạt động khai thác cát trái phép còn hạn chế, gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật.
Theo Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, có những thời điểm, hằng ngày trên vùng biển Cần Giờ có khoảng 8-12 sà-lan trọng tải từ 500 đến 1.000 tấn hoạt động khai thác cát trái phép. Các đối tượng rất tinh vi, chủ yếu hoạt động trong bóng tối từ 21 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau, lợi dụng điều kiện sóng to gió lớn, thường chọn địa điểm xa khơi 6-10 hải lý giáp ranh giữa vùng biển Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre... Phương tiện khai thác cát trái phép thông thường các sà-lan có tải trọng lớn, được thiết kế chịu được sóng gió, có họng xả dưới đáy để tẩu thoát cát khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Về phía tỉnh Đồng Nai, tình trạng khai thác “lậu” cát cũng diễn ra phức tạp. Chỉ tính riêng trong 10 ngày (từ ngày 8 đến 18/7), Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai) đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều phương tiện vận chuyển, khai thác cát không rõ nguồn gốc xuất xứ trên tuyến sông Đồng Nai (thuộc địa bàn TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch).
Theo UBND TP Biên Hòa, tuyến sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn TP Biên Hòa và một số địa phương lân cận thời gian qua khá “nóng” về tình trạng khai thác và vận chuyển cát trái phép. Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác, vận chuyển, neo đậu các phương tiện có gắn đặc thù bơm hút cát để khai thác khi có cơ hội. Trong sáu tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP Biên Hòa, lực lượng chức năng đã phát hiện 6 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên dọc tuyến sông Đồng Nai, thu giữ 6 phương tiện (ghe gỗ, tàu sắt). Tuy nhiên, công tác phối hợp xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép của cơ quan chức năng tỉnh gặp không ít khó khăn do các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, manh động.
Chủ động phối hợp xử lý nghiêm
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động khai thác cát, kinh doanh cát trái phép được đánh giá là thu lợi nhuận cao mà kinh phí đầu tư không nhiều. Do đó, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để đối phó lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát. Hậu quả khai thác cát trái phép làm thất thoát tài nguyên, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động xấu công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác cát trái phép chưa đủ tính răn đe, trong khi lợi nhuận thu được từ việc khai thác cát trái phép rất lớn... Bên cạnh tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát vị trí xây dựng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Mặt khác, kiến nghị thành phố sớm triển khai xây dựng trạm kiểm soát biên phòng trên biển (theo quy mô nhà giàn nhỏ), trang bị các phương tiện, kỹ thuật để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra.
Theo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Thành phố Hồ Chí Minh), thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện tốt quy chế phối hợp, thiết lập “đường dây nóng” với các tỉnh nhằm thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động của các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, trữ lượng được cấp quyền khai thác, phương tiện vận chuyển, đơn vị tiêu thụ… Từ đó triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát trái phép. Đồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và việc kê khai nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp cát san lấp, cát xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng, bến bãi kinh doanh cát trên địa bàn thành phố.
Theo Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ triển khai các biện pháp, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, thành lập tổ liên ngành giữa các tỉnh giáp ranh để phối hợp kiểm tra phương tiện khai thác, vận chuyển cát liên tỉnh, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng là cát, sỏi...
Về công tác phối hợp với các tỉnh lân cận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu nêu rõ, để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những vướng mắc đang tồn tại như tiếp tục rà soát những điều, quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, chưa phù hợp thực tế để tham mưu lãnh đạo thành phố, Trung ương, nhằm sửa đổi các quy định để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng chống khai thác cát trái phép.
Song song đó, tập trung đầu tư trang thiết bị, công nghệ để tăng cường hiệu quả cho hoạt động phòng chống khai thác cát trái phép giai đoạn 2023 - 2026. Hoạt động phòng chống khai thác cát trái phép không thể thành công nếu chỉ hoạt động đấu tranh riêng lẻ, nội bộ trong từng địa phương. Vì vậy, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa thành phố và các tỉnh lân cận.
Về phía tỉnh Đồng Nai, Trung tá Phạm Quốc Tăng, Đội trưởng Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai) cho hay, việc hút cát theo kiểu tận thu, bừa bãi khiến đáy sông bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, bờ kè, không chỉ làm thất thoát tài nguyên mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép, Phòng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và phối hợp các lực lượng tăng cường tuần tra, chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng chức năng; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm đối với hành vi liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép.