Ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách
Thông tin trên được ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết ngày 7/5. Theo ông Tống Hải Nam, từ năm 2018, Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Đến nay, chương trình chỉ triển khai tại tám địa phương, gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam và Cà Mau. “Do chương trình mới thực hiện trong thời gian ngắn tại một số địa phương, chưa đủ cơ sở để đưa vào luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nên căn cứ vào nhu cầu thực tiễn từ phía Hàn Quốc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục triển khai thí điểm chương trình này trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 27/4, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thí điểm thực hiện người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 5 năm, từ 1/1/2022”, ông Nam thông tin.
Sau khi Chính phủ cho phép, trong tháng 5, phía Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam làm việc tại các trang trại nông nghiệp. Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam tiếp cận các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và hiện đại tại Hàn Quốc. Theo ông Nam, trên cơ sở quan hệ hợp tác sẵn có giữa địa phương Việt Nam và địa phương Hàn Quốc, các cơ quan cấp tỉnh trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Trước khi ký kết, các địa phương báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Chính phủ để xem xét, chấp thuận hợp tác.
Để tổ chức tốt hoạt động thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tuyển chọn lao động đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu đối với người lao động trong thỏa thuận ký kết. Đặc biệt, ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.
Kéo dài thời gian lưu trú
Đáng lưu ý, ngày 13/4, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo kéo dài thời gian lưu trú cho khoảng 115 nghìn lao động nước ngoài thêm 1 năm, trong đó có các lao động Việt Nam, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và lao động làm nông nghiệp và đánh bắt cá. Việc gia hạn này sẽ áp dụng cho các lao động có thị thực E-9 và những người có thị thực lao động thăm thân H-2 hết hạn trong khoảng thời gian từ ngày 13/4 - 31/12/2021.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết, 62.239 người nước ngoài có thị thực E-9 đủ điều kiện sẽ được phép kéo dài thời gian lưu trú và làm việc thêm một năm. Đối với 52.357 người nước ngoài có thị thực H-2, họ vẫn cần được xác nhận xem có được các doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng một cách hợp pháp hay không trước khi được gia hạn thị thực. Cũng theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tối đa 114.596 người nước ngoài có thể được hưởng lợi từ quyết định này.
Mới đây, tỉnh Bắc Jeolla của Hàn Quốc, ngày 6/5 cho biết, đã tuyển dụng 52 lao động thời vụ của Việt Nam để bố trí làm việc tại các nông trại. Thông tin từ lãnh đạo quận Jinan (tỉnh Bắc Jeolla) cho biết, trong đợt đầu tiên, quận này đã tiếp nhận 27 lao động và bố trí việc làm tại 17 trang trại trồng dưa hấu, ớt đỏ và lá vừng. Các trang trại ở vùng nông thôn của Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Đối tượng được tuyển dụng đợt này bao gồm cả thân nhân của những cô dâu Việt Nam đã kết hôn và đang sinh sống tại Hàn Quốc. Những người được tiếp nhận đợt đầu đã được đào tạo về nông nghiệp, có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Theo kế hoạch, ngày 10/5 tới, quận Jinan sẽ tiếp tục đón lao động đợt hai gồm 25 lao động từ Việt Nam nhập cảnh.