Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân khi giải phóng mặt bằng

Dù đã thu hồi được 90% khối lượng và dự kiến thông xe vào năm 2021, nhưng đến nay Dự án xây dựng tuyến đường nối Phạm Hùng-Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) vẫn còn ngổn ngang do chưa giải phóng mặt bằng vị trí cuối cùng ngõ 252 đường Mỹ Đình. Lãnh đạo quận Nam Từ Liêm khẳng định sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, tuy nhiên các hộ dân cho rằng cần chính sách đền bù thỏa đáng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực ngõ 252 đường Mỹ Đình, nơi đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Khu vực ngõ 252 đường Mỹ Đình, nơi đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Nhiều hộ dân đang sinh sống tại ngõ 252 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) cho biết, hầu hết họ đều sinh sống tại đây từ 20 đến 40 năm qua, đất ở ổn định, không có tranh chấp. Các gia đình đã sinh trưởng qua nhiều thế hệ, cha mẹ chia đất cho con cái ở, cùng một số ít người từ nơi khác đến mua đất xây nhà đã hình thành cả một cụm dân cư.

Ghi nhận thực tế cuộc sống của hàng chục hộ dân trong ngõ 252 đường Mỹ Đình cho thấy, môi trường ẩm thấp, nhếch nhác, thường xuyên bị ngập khi mưa to, cuộc sống của người dân khá gian nan vì quy hoạch "treo" từ đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, theo người dân, khi triển khai dự án vào năm 2018, trong quá trình thông báo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm lại chỉ quy chủ có một số cá nhân đứng tên sử dụng các thửa đất, trong khi có những thửa đất đã được chia cho con cái, hoặc chia để bán cho người khác từ trước năm 2002. Điều này khiến cho nhiều hộ gia đình tại đây có nguy cơ mất chỗ ở, hoang mang vì không biết phải đi đâu.

Như trường hợp chị Vũ Thị Minh Trâm, con gái của ông Vũ Danh Phương (người đã sinh sống tại đây từ năm 1978). Ông Vũ Danh Phương chia đất cho ba người con, cùng sinh sống trên thửa đất số 153, tờ bản đồ số 6, rồi chuyển đến nơi ở khác. Hiện gia đình chị Trâm thuộc diện không được tái định cư bằng đất vì bố chị là ông Phương đã có nơi ở khác, số tiền bồi thường được nhận chỉ hơn 800 triệu đồng. “Các chị em tôi đều đã có gia đình riêng, không thể dắt díu nhau về sống chung với bố mẹ, bốn, năm gia đình, ba thế hệ trong một căn nhà. Mà hơn 800 triệu đồng thì không đủ mua nhà ở xã hội. Gia đình chúng tôi chưa biết sẽ ở đâu”, chị Trâm nói.

Bên cạnh đó, một số vấn đề người dân cũng nêu lên và mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, trong đó đề nghị được tái định cư bằng đất đối với những trường hợp thực hiện chia tách, sinh sống ổn định tại đây nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tại dự thảo phương án bồi thường, thay vì nhận đủ số tiền đền bù, một số hộ phải thực hiện khấu trừ có khi lên đến cả tỷ đồng mà không rõ lý do.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, quận đã nhận được kiến nghị của các hộ dân, tuy nhiên khung giá bồi thường phải áp dụng theo đúng quy định của Nhà nước.

Ông Nam cũng cho biết đang rà soát, xác minh cụ thể để lên phương án giải phóng mặt bằng tại khu vực ngõ 252 đường Mỹ Đình. Ông Nam thông tin, lãnh đạo quận cũng đã trực tiếp gặp gỡ một số người trong diện thu hồi đất để trao đổi, làm rõ những vướng mắc.

“Quan điểm của quận là cố gắng làm những gì tốt nhất theo quy định để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Chúng tôi cũng luôn đặt mình vào địa vị người dân khi giải phóng mặt bằng. Thực tế quận cũng đã xin và được thành phố chấp thuận hỗ trợ về công trình. Bởi nếu công trình xây dựng không có giấy phép chỉ được 10% giá trị, nhưng quận đã đề nghị với công trình nhà ở tại đây có thể hỗ trợ lên đến 80%”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cho biết.

Đối với thắc mắc của người dân về việc phải khấu trừ một số tiền, ông Nguyễn Quốc Nam giải thích, việc này thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Đơn cử với hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trước năm 1993 sẽ được 180 m2 không phải nộp tiền sử dụng đất, với phần còn lại sẽ phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Khi lên phương án, cơ quan chức năng sẽ tính cả phần đền bù cho cả thửa đất và sau đó khấu trừ với phần hạn mức thừa ra theo quy định. “Thực chất đây vẫn là tiền của ngân sách được chuyển lại sau khi tính toán cụ thể, không có chuyện tiêu cực ở đây”, ông Nam khẳng định.

Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Nam Từ Liêm Phạm Hồng Thắng cho biết, 90% khối lượng giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đường nối Phạm Hùng-Lê Đức Thọ đã được giải quyết. Hiện chỉ còn tồn tại 11 thửa đất nằm trong ngõ 252 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2 chưa giải phóng được. Trên 11 thửa đất này, kiểm đếm ban đầu có tới 127 trường hợp phải giải phóng mặt bằng.

Ông Phạm Hồng Thắng cũng cho biết, đối với những hộ đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng đất trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Một số trường hợp không đủ điều kiện, nếu các hộ có nhu cầu, quận sẽ đề xuất thành phố được thuê mua nhà ở xã hội.

Các hộ dân đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo hơn về nguồn gốc, căn cứ pháp lý và nhất là việc sinh sống ổn định hàng chục năm tại đây để xây dựng phương án bảm đảm quyền lợi chính đáng cho người dân tại đây.