“Đau đầu” với giải phóng mặt bằng

Hiện, ba dự án giao thông trọng điểm có số vốn đầu tư lớn của Đà Nẵng gồm dự án đường vành đai phía Tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (vốn đầu tư 1.499 tỷ đồng), dự án đường ven sông Tuyên Sơn-Túy Loan (745 tỷ đồng) và dự án tuyến đường nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 (725 tỷ đồng) đều đang chậm tiến độ. Sau nhiều lần kéo giãn, cả ba dự án này đều được hứa hẹn hoàn thành vào tháng 9/2022, nhưng đến nay các công trình xây dựng ở đây vẫn ngổn ngang.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dự án giao thông trọng điểm ở Đà Nẵng chậm tiến độ gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm ở Đà Nẵng chậm tiến độ gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Nhiều công trình chậm tiến độ

Giữa tháng 2, có mặt tại công trình dự án đường vành đai phía Tây đoạn qua xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), mặc dù thời tiết thuận lợi nhưng công trường vẫn khá yên ắng. Chỉ có một số ít công nhân và phương tiện thi công các hạng mục phụ. Ngay đoạn đầu của dự án vẫn nham nhở bùn đất. Dự án này do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) làm nhà thầu thi công, khởi công vào tháng 10/2018.

Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020 nhưng sang đầu năm 2022, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Tháng 3/2022, UBND thành phố Đà Nẵng “chốt” thời hạn hoàn thành vào tháng 9/2022 nhưng lại kéo sang tháng 12/2022. Đến nay, dự án được gia hạn đến ngày 30/6. “Hồi mới khởi công dự án cũng điều động xe cộ, băng-rôn, khẩu hiệu rầm rộ lắm. Nhưng được vài tháng, không hiểu vì sao họ rút dần máy móc, công nhân. Đường sá đào bới lên nham nhở, mùa mưa thì đọng nước, mùa hè thì bụi bặm. Người dân chúng tôi đã chấp nhận di dời nhà cửa, ruộng vườn để dự án sớm triển khai đúng tiến độ, nhưng chờ đợi bao năm nay rồi”, ông Huỳnh Phước Bính (Hòa Khương, Hòa Vang) ngao ngán.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân chậm trễ một phần do nhà thầu Cienco1 không đủ năng lực tài chính. “Ban đã báo cáo thành phố để Cienco1 chuyển giao phần thi công sang cho Công ty Trường Sơn tiếp tục thi công. Khối lượng công việc của Cienco1 hiện còn hơn 4km với trị giá gần 100 tỷ đồng và dự kiến sẽ được hoàn thành vào ngày 30/6 này”, ông Huy nói.

Trước đó, Thanh tra TP Đà Nẵng đã thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện tuyến đường này. Trong đó, nêu rõ nguyên nhân chậm tiến độ do phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa sát thực tế, phải điều chỉnh. Riêng nhà thầu Cienco1 đạt khối lượng khá thấp, cho thấy năng lực thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Ban quản lý đã ban hành bốn quyết định xử phạt.

Cũng trễ hẹn nhiều lần là dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 có chiều dài hơn 35 km từ xã Hòa Sơn lên xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), giáp ranh huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Mặc dù hạn cuối để hoàn thành vào tháng 9/2022 nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạng mục dở dang. Việc thi công ì ạch đã khiến dự án bị “đội vốn” từ 643,5 tỷ đồng (ban đầu) lên gần 725 tỷ đồng. Cuộc sống của người dân sống trong vùng dự án đi qua cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Nguyên nhân chậm trễ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng của thành phố trong năm 2022 là 218 dự án với 14.372 hồ sơ cần giải phóng mặt bằng, nhưng đến cuối năm chỉ hoàn thành giải phóng mặt bằng 23 dự án gồm 2.010 hồ sơ được bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân do giá trị đền bù hiện nay còn thấp, chưa thỏa đáng nên người dân không đồng tình bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, còn do việc thiếu đất tái định cư, không có đất để bố trí cho các hộ giải tỏa nên rất khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Việc chậm giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm của Đà Nẵng. Ông Phan Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Công ty 545 (đơn vị nhà thầu tham gia thi công dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601) cho rằng, chậm trễ là do nhà thầu không có mặt bằng để thi công, phải làm theo kiểu “da beo” (giải tỏa đến đâu thi công đến đó). “Chúng tôi chỉ thi công hơn 1,1km của dự án nhưng giải phóng mặt bằng không kịp. Nếu được bàn giao mặt bằng sạch, chúng tôi sẽ hoàn thành tuyến đường như cam kết vào ngày 30/4”, ông Tuấn cho biết.

Đại diện Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang cũng thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa. Theo ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, trên địa bàn huyện có nhiều dự án đã triển khai cách đây 10 năm, hiện vẫn tiếp tục bồi thường giải tỏa. “Trong năm 2022, địa phương triển khai 54 dự án nhưng chỉ mới hoàn thành giải phóng mặt bằng được sáu dự án. Trong năm 2023, tổng số dự án mà huyện Hòa Vang thực hiện là 46 dự án với hơn 7.798 hồ sơ cần giải tỏa. Trong đó, dự án nhóm 1 là 20 dự án, nhóm 2 là 26 dự án. Do đó có sự chênh lệch lớn về giá bồi thường, hỗ trợ nên người dân chưa muốn bàn giao mặt bằng sớm mà chờ đợi đến cùng. Chỉ khi nào được hỗ trợ thêm kinh phí, bố trí thêm đất tái định cư hoặc chuẩn bị xử lý cưỡng chế mới chấp hành bàn giao mặt bằng nên rất khó khăn”.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa 202 dự án trên địa bàn thành phố trong năm 2023 với 18.393 hồ sơ đền bù giải tỏa nhà, đất, công trình. Trong đó, yêu cầu các quận/huyện và ban, ngành tập trung tốt nhất cho công tác giải phóng mặt bằng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.