Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, lãnh đạo 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cùng các đơn vị chức năng tham gia cùng đoàn.
Vượt khó, bảo đảm tiến độ thi công
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý cho biết, công tác giải phóng đoạn cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến nay đã bàn giao 98,3/98,3km (đạt 100%). Tuy nhiên, hiện công tác di dời đường điện 220KV trở lên chưa thực hiện xong, gây ảnh hưởng khi đưa dự án vào khai thác do không bảo bảo đảm tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/10/2022.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn. |
Ông Quý cho rằng: “Quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp một số khó khăn như thời tiết, đặc biệt là mùa mưa lũ năm 2020, dịch Covid-19, biến động giá vật liệu… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua các khó khăn của các chủ thể tham gia dự án, đến nay sản lượng của dự án đạt 94,1% giá trị hợp đồng”.
Theo ông Quý, khối lượng thực hiện các hạng mục chính tại dự án cơ bản hoàn thành nền đắp K95 với 7,49 triệu m3, nền đắp K98 hoàn thành 93/94 km (đạt 99%), các lớp bê-tông nhựa đạt 65-85%... Đặc biệt, với các đơn vị không bảo đảm tiến độ, sau 3 lần nhắc nhở nếu không chuyển biến, Ban Quản lý dự án yêu cầu cắt chuyển, tăng cường đơn vị mạnh.
Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua Thừa Thiên Huế đang giai đoạn nước rút. |
Cụ thể, dự án đã cắt chuyển khối lượng của nhà thầu phụ yêu cầu nhà thầu chính đảm nhận thi công như: Công ty Hoàng Huy Toàn (nhà thầu phụ của Công ty 703 thi công gói thầu XL1), Công ty TNHH Hoàng Nguyên (nhà thầu phụ của Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng thi công gói thầu XL3), Công ty 388 (nhà thầu phụ của Công ty Hòa Hiệp thi công gói thầu XL5)…
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã kiến nghị, UBND 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị quan tâm chỉ đạo để giải quyết dứt điểm công tác di dời 14 vị trí đường điện cao thế còn chậm nói trên, tránh khi dự án đưa vào khai thác mất an toàn cho lưới điện quốc gia.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, đoạn cao tốc Cam Lộ-La Sơn đạt được tiến độ như ngày hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công. Các khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết. Các địa phương đã phối hợp tốt, giúp các ban quản lý dự án, các nhà đầu tư, nhà thầu trên địa bàn trong quá trình thi công.
"Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Đến 30/10 tới, toàn tuyến phải hoàn thành các phần việc còn lại cũng như hệ thống lan can, an toàn giao thông, hàng rào và tháng 11/2022 sẽ đưa vào khánh thành, thông xe, khai thác…", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Tháng 11/2022 sẽ khánh thành, đưa vào khai thác
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương có dự án đi qua là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có dự án đi qua; đồng thời cho rằng, đây được xem là dự án thực hiện tốt nhất, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng thi công, là tuyến cao tốc gần như đạt được mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 trong 4 tuyến cao tốc mà Chính phủ đưa ra.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì buổi làm việc về tiến độ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn với các bộ, ngành liên quan và 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. |
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn trong thời gian vừa qua về thời tiết, nhất là giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến triển khai thi công và hiệu quả của các nhà thầu; khó khăn trong việc thanh quyết toán.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án thành phần để nối thông suốt toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Để đáp ứng tiến độ công việc, các đơn vị, địa phương cần chủ động hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, triển khai dự án theo nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tiến độ thực hiện dự án cho Phó Thủ tướng Chính phủ. |
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hoàn thành công tác di dời, nâng tĩnh không 14 vị trí đường điện cao thế xong trước cuối tháng 10 như cam kết. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác để rà soát hồ sơ, hướng dẫn thủ tục cho các nhà thầu. Bộ cần ưu tiên những nhà thầu thực hiện đáp ứng chất lượng, tiến độ được tiếp tục lựa chọn để thực hiện các dự án cao tốc giai đoạn 2021-2025, các nhà thầu năng lực yếu nhất quyết không lựa chọn.
“Các đơn vị thi công phải giữ lời hứa về chất lượng cũng như tiến độ xây dựng, phải chịu trách nhiệm trước dân, trước lãnh đạo Chính phủ với lời hứa của mình; giữ được thương hiệu xây dựng đường cao tốc về chất lượng và tiến độ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi thị sát, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng quà cho nhà thầu, kỹ sư, công nhân tại công trường thi công. |
Phó Thủ tướng lưu ý rằng, thời gian hoàn thành cơ bản dự án đến ngày 30/10/2022 không còn xa, đề nghị các đơn vị phải tranh thủ từng ngày, tranh thủ hoàn thiện các hạng mục, thủ tục để quyết tâm đưa vào khai thác, khánh thành, thông xe trong tháng 11/2022, phải xem đây là dự án mẫu để triển khai các dự án khác trên toàn tuyến.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn giai đoạn 1 có chiều dài 98,3km, trong đó đoạn qua Quảng Trị dài 37,3km và qua Thừa Thiên Huế dài 61 km. Điểm đầu giao với Quốc lộ 9 (thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối nối vào cao tốc La Sơn-Túy Loan (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.