Trong khi chỉ số giá vật liệu do địa phương công bố thường có xu hướng “ép” xuống, xa rời thực tế, khiến nhà thầu càng làm nhiều, càng lỗ. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tháo gỡ kịp thời khó khăn này, nguy cơ vỡ tiến độ cao tốc bắc-nam là hiện hữu, kéo theo hệ lụy dự án đầu tư cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025 chuẩn bị triển khai sẽ “trắng” nhà thầu.
Hàng loạt nhà thầu “hụt hơi”
Mới đây, đại diện lãnh đạo 20 nhà đầu tư, nhà thầu thuộc Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam, gồm Cienco4, Vinaconex, Phương Thành, Trung Nam E&C, Trường Sơn,... đã đồng loạt ký vào văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xem xét, giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư, nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020. Theo đó, các gói thầu bắc-nam được ký trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, giá các chủng loại vật tư, nhiên liệu đều “chạm đáy”. Tuy nhiên, ngay sau khi khởi công, nhà thầu phải đối mặt tình trạng nhiều loại vật liệu chính tăng đột biến như: thép, đất đắp các loại, cát vàng, cốt liệu đá cho bê-tông xi-măng, bê-tông nhựa,...
Thời gian đầu, các nhà thầu còn “nghiến răng” chịu đựng, cố gắng đắp đổi qua ngày, song biến động giá quá lớn kéo dài trong gần hai năm qua, các chủng loại vật tư, vật liệu liên tục leo thang, xác lập mặt bằng giá mới. Theo tính toán, biến động một số vật tư, vật liệu chính (chưa tính biến động máy thi công, nhân công) tăng khoảng 20-30% so giá trị hợp đồng trừ dự phòng. Với biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu.
Từ quý III năm 2022, các nhà thầu buộc phải gửi nhiều văn bản báo cáo cơ quan chức năng về thực trạng nêu trên và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Dẫn chứng cụ thể, Hiệp hội Các nhà thầu cho biết, từ cuối tháng 2/2022, xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao kéo theo giá nhiên liệu diesel và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ (nhựa đường, nhựa thấm bám,…) tăng phi mã. Tại các gói thầu, tính sơ bộ một số chủng loại vật tư, vật liệu chính: giá đất đắp tăng 30-50%, cá biệt có gói tăng 154%; cát vàng tăng 15-40%, cá biệt có gói tăng 187%; nhựa đường tăng 35-50%; bê-tông nhựa tăng 20-55%; dầu diesel tăng phi mã 138-163%; thép tăng 40-50%, một số thời điểm tăng 70%; xi-măng tăng 20-35%, cá biệt có gói tăng 47%,...
Trong công thức điều chỉnh giá hợp đồng, chỉ điều chỉnh bảy yếu tố chính: nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi-măng. Vật liệu đất đắp được coi là cố định, không điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, tại các dự án cao tốc bắc-nam, khối lượng đất đắp rất lớn, giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng khá lớn trong hợp đồng (15-25%). Trên thực tế, hầu hết nhà cung cấp, chủ mỏ đều yêu cầu cơ chế “tiền tươi, thóc thật”, các loại vật tư đá sỏi, thép, bê-tông, xăng dầu, nhựa đường đều phải thanh toán 100% trước khi nhận hàng, thậm chí còn phải đặt cọc trước theo khối lượng phân bổ của nhà cung cấp.
Trong khi đó, dự án cao tốc phải tuân thủ quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán của dự án, kể từ khi tập kết vật liệu để thi công đến khi được nghiệm thu, thanh toán và nhận được tiền của chủ đầu tư ít nhất mất từ hai đến ba tháng. Các nhà thầu tham gia thi công đồng thời một số gói thầu cao tốc bắc-nam rơi vào cảnh mất cân đối tài chính nghiêm trọng. “Thực tế, trong 3-4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, nhà thầu đã không thể duy trì tiến độ, cường độ công việc cao như giai đoạn trước, nếu không có các giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ vỡ tiến độ là hiện hữu”, một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lo lắng.
Chỉ số giá “vênh” rất xa thực tiễn
Dù tiến độ thi công hạng mục cầu Núi Đọ (thuộc gói XL14, đoạn cao tốc Mai Sơn-quốc lộ 45, hợp đồng yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/12/2022) hiện đã đạt 80% và nhanh hơn hai tháng so cam kết trong hợp đồng, song ông Lê Văn Quốc, Phó Giám đốc Ban điều hành Vinaconex-Trung Nam E&C vẫn bày tỏ lo ngại khi “bão giá” vật liệu càn quét dự án trong thời gian dài vừa qua. Theo tiết lộ của ông, riêng hạng mục cầu Núi Đọ, nhà thầu đã lỗ khoảng 50 tỷ đồng. “Các loại nguyên vật liệu tăng giá đột biến trong thời gian qua khiến nhà thầu gặp vô vàn khó khăn trong bảo đảm nguồn tài chính. Dự án chỉ còn 5 tháng là hoàn thành và phải giải ngân 800 tỷ đồng nên cần dòng tiền lớn. Với giá cả vật liệu quay cuồng như hiện nay, nguy cơ thiếu hụt dòng tiền luôn cận kề”, ông Quốc lo lắng.
Giám đốc điều hành Liên danh nhà thầu Vinaconex-Miền Trung Group Nguyễn Bá Sỹ, trực tiếp chỉ huy thi công gói thầu XL03, dự án cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu thừa nhận, các đợt tăng giá nguyên vật liệu vừa qua khiến mọi tính toán tài chính của nhà thầu bị đảo lộn hoàn toàn, công tác thi công bị đình đốn. Biến động giá trội lên khoảng 30% làm nhà thầu hết sức khó khăn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ chi phí mua vật tư, vật liệu.
Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Hữu Tới cho biết, tại dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết, giá trị hợp đồng gói thầu XL04 hơn 2.800 tỷ đồng (trừ dự phòng), chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) so giá trị hợp đồng đã tăng gần 470 tỷ đồng (tăng 16,7%), trong khi tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng trung bình được 8%. Gói số 3 (đoạn Phan Thiết-Dầu Giây), giá trị phần việc của Vinaconex đảm nhiệm hơn 1.600 tỷ đồng (trừ dự phòng), riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng so giá trị hợp đồng tăng 39%, trong khi bù giá trung bình chỉ 3,8%. “Tính trung bình cả 5 gói thầu Vinaconex đảm nhận tại dự án cao tốc bắc-nam, chi phí biến động giá vật liệu và máy thi công, nhân công khoảng 28%, còn bù giá trung bình các gói thầu chỉ 6%”, ông Tới nhẩm tính.
Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam cho biết, theo hợp đồng, hầu hết các gói thầu cao tốc bắc-nam đang triển khai đều áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh sử dụng chỉ số giá vật liệu do địa phương nơi dự án đi qua công bố. Thế nhưng, hầu hết các tỉnh nơi dự án đi qua như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai,... thời gian gần đây chưa có dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc nào, giá vật liệu và chỉ số giá do địa phương ban hành chỉ phù hợp các công trình quy mô nhỏ, cấp thấp hơn. Sự bất cập này đã được các tỉnh như Bình Thuận, Đồng Nai,... có văn bản xác nhận công trình đường bộ cao tốc bắc-nam không có trong danh mục chỉ số giá của địa phương và đề nghị chủ đầu tư căn cứ quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Đỗ Thành Phương thừa nhận, Sở đã công bố chỉ số giá vật liệu tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh, công trình giao thông được công bố gồm đường bê-tông xi-măng; đường nhựa asphanlt, đường láng nhựa,... nhưng riêng đối với đường cao tốc, chưa có trong danh mục được công bố. Còn Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận Trần Đức Minh cũng khẳng định, chỉ số giá xây dựng các tháng, quý và năm 2020 và chỉ số giá xây dựng các tháng đầu năm 2022 đã được công bố nhưng công trình đường bộ cao tốc không có trong danh mục chỉ số giá.
Nhận diện khó khăn này, từ đầu tháng 4/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công trên cao tốc bắc-nam trước diễn biến của “bão giá” vật liệu, tránh tình trạng thi công cầm chừng, chờ giá xuống, ảnh hưởng tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tại văn bản trả lời ngày 22/6/2022 của Cục Kinh tế-Xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào tháo gỡ khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng.
Xác định thời gian hoàn thành dự án theo hợp đồng không còn nhiều, Hiệp hội Các nhà thầu thi công dự án cao tốc bắc-nam kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng theo điều 27, Nghị định 10/2021/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu chủ yếu (theo 5 nhóm chỉ số biến động vật liệu trong công thức điều chỉnh giá: nhựa đường, sắt thép, cát, đá, xi-măng) trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu; bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng.
Đồng thời, áp dụng các quy định liên quan tại Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi và các hậu quả bất khả kháng của hợp đồng xây dựng, cho phép nhà thầu lập tiến độ khối lượng còn lại, trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận. Đối với các dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), cho phép được điều chỉnh giá hợp đồng khi chỉ số trượt giá thời gian xây dựng dự án vượt quá chỉ số đã tính toán trong tổng mức đầu tư, làm vượt tổng mức đầu tư. Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ ngày 4/7 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cũng nhận định giá nhiên liệu, vật liệu thời gian qua biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá khiến nhà thầu thua lỗ và thiếu hụt tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ dự án ■