Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn hơn 43km, đi qua địa phận huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư gần 5.534,5 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) là đại diện chủ đầu tư.
Theo Giám đốc quản lý dự án Nguyễn Ngọc Quỳnh, gói thầu XL 03 của dự án do Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng miền trung và Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công. Gói thầu XL03 có công trình cầu Yên Mỹ dài 995,8m được xem là cầu vượt hồ lớn nhất trên cao tốc bắc-nam, do Vinaconex đảm nhiệm thi công.
Hồ Yên Mỹ là một trong 3 hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Thanh Hóa (cùng với hồ Sông Mực và hồ Cửa Đạt), diện tích khoảng 2.800 ha. Tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, biến nơi đây thành khu du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí.
“Cầu vượt hồ Yên Mỹ nằm trọn trong Khu du lịch sinh thái Yên Mỹ, gồm 24 trụ, 2 mố và 25 nhịp Super T, mỗi nhịp dài 40m giá trị xây lắp 242 tỷ đồng. Sau này khi hoàn thành đi vào khai thác, đây sẽ là một trong những cung đường đẹp, giúp hoàn thiện quy hoạch về mặt kiến trúc của khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ, một điểm nhấn nổi bật trên tuyến cao tốc bắc-nam”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay.
Ông Hoàng Đình Luân, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL03 cho biết: Hồ Yên Mỹ là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Thanh Hóa thuộc Khu du lịch sinh thái Yên Mỹ, nên trong suốt quá trình thi công, việc bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho người lao động luôn được nhà thầu đặt lên hàng đầu. Do địa hình phức tạp, không có đường thuận tiện, chỉ thi công được từ một đầu cầu nên nhà thầu Vinaconex đã thực hiện phương án thi công ngay trên mặt hồ bằng các hệ phao nổi từ khâu khoan cọc, đổ bê tông dầm, đổ bê tông mố,...
Theo đại diện Tư vấn giám sát gói thầu XL3, cầu Yên Mỹ bắt đầu thi công từ tháng 8/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị mặt bằng mất khá nhiều thời gian nên đến tháng 10/2021, các đơn vị mới triển khai cọc khoan nhồi. Vượt qua mọi khó khăn, tập thể kỹ sư, công nhân của nhà thầu Vinaconex đang ngày đêm đẩy nhanh tiến độ, tổ chức huy động lực lượng lao động, thiết bị phù hợp với địa hình; đồng thời chia làm 5 mũi thi công, làm việc liên tục 3 ca 4 kíp.
Theo ông Hoàng Đình Luân, tính đến thời điểm hiện tại, nhà thầu Vinaconex đã thi công cầu đạt sản lượng 112 tỷ đồng, bằng 46% khối lượng công việc. Nhà thầu phấn đấu hoàn thành công trình vào tháng 6/2023.