Bảo đảm cảnh quan môi trường dịp Tết

Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay, khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, cùng với việc tổ chức các hoạt động chào năm mới, công tác thu gom rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các quận, huyện tăng cường triển khai, giúp nhân dân vui Xuân, đón Tết trong môi trường sạch, đẹp.
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội dọn vệ sinh tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh TUẤN DŨNG)
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội dọn vệ sinh tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh TUẤN DŨNG)

Năm nào cũng vậy, vào dịp sát Tết Nguyên đán, lượng rác thải sinh hoạt tăng mạnh. Mặc dù các ngành chức năng có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn đọng rác thải, song theo phản ánh của bạn đọc, tại nhiều tuyến đường, nhất là các điểm vui chơi, tham quan du lịch, nơi thường tổ chức lễ hội, vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Tại khu vực trung tâm Thủ đô, chợ đêm phố cổ Hà Nội từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút người dân và du khách quốc tế mỗi dịp cuối tuần. Chợ đêm phố cổ Hà Nội nằm trên các tuyến phố kéo dài gần 3km từ phố Hàng Ðào, Hàng Ngang, Hàng Ðường đến cổng chợ Ðồng Xuân (quận Hoàn Kiếm).

Bất kể thời tiết mưa nắng, từ 18 giờ đến 23 giờ các tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các hộ kinh doanh đủ các mặt hàng lại dựng các ki-ốt bán hàng san sát nhau dưới lòng đường, trên vỉa hè, thu hút người dân, du khách đến mua sắm, tham quan. Tuy nhiên, khi phiên chợ kết thúc, các ki-ốt đóng cửa, thu dọn hàng hóa, thì dưới lòng đường, trên vỉa hè lại tràn lan rác thải các loại. Mặc dù chỉ sau đó ít phút, các công nhân môi trường ở cơ sở bắt đầu quét dọn, song cảnh tượng này không khỏi gây ra cái nhìn phản cảm, ấn tượng xấu, nhất là đối với du khách. Rác thải chủ yếu gồm các loại túi ni-lông, cốc nhựa dùng một lần, chai lọ… bị không ít du khách và các hộ kinh doanh thiếu ý thức, tiện tay vứt xuống lòng đường, mặc dù chính quyền cơ sở và các đơn vị vệ sinh môi trường đã bố trí các thùng bỏ rác, phân loại rác tại nhiều vị trí trên các tuyến phố chợ đêm.

Chị Ninh Thị Loan, Tổ trưởng Tổ môi trường số 1, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết: Vào các dịp lễ, Tết, ngày cuối tuần… mặc dù công ty huy động gấp hai đến ba lần số công nhân so với ngày thường, nhưng vẫn không dọn xuể lượng rác người dân xả ra. Cứ cách 100m đơn vị bố trí một thùng rác, nhưng túi giấy, ni-lông, đồ ăn thừa vẫn rơi khắp thềm tòa nhà Bưu điện Hà Nội, phố Ðinh Tiên Hoàng, gốc cây quanh Hồ Gươm... Lượng rác thải phần lớn do người dân, du khách đi chơi chợ đêm và các hộ kinh doanh vô tư vứt, xả bừa bãi xuống đường. Thậm chí, sau nhiều phiên chợ đêm kết thúc, lượng rác gấp nhiều lần so với ngày thường, khiến công nhân phải dọn dẹp đến 2-3 giờ sáng mới hết. Ðáng ngại là tình trạng mất vệ sinh; tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các hộ kinh doanh hàng ăn uống, các sạp hàng "cóc"; sự xô bồ, lộn xộn, thiếu ý thức đi lại trong phiên chợ... đã và đang gây ảnh hưởng bộ mặt chợ đêm phố cổ, làm phiền lòng du khách.

Trước thực trạng này, để bảo đảm cảnh quan môi trường dịp Tết, TP Hà Nội luôn đặt ra yêu cầu thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng rác thải phát sinh đến khu xử lý ngay trong ngày, không để tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Ngoài việc thu gom, xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày, các đơn vị vệ sinh môi trường còn có nhiệm vụ thu gom phế thải tồn đọng; duy trì vệ sinh môi trường các tuyến đường, phố, những nơi tổ chức hoạt động đón năm mới. Theo lãnh đạo Công ty Urenco, Tết Nguyên đán năm nay, khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, lượng người đổ về các khu vực trung tâm thành phố đón Tết sẽ đông hơn, do vậy công tác bảo đảm vệ sinh môi trường càng được chú trọng.

Công ty triển khai quyết liệt các giải pháp duy trì tốt chất lượng vệ sinh môi trường trên các tuyến đường phố, ngõ xóm, khu dân cư luôn sạch sẽ; thu dọn, vận chuyển hết khối lượng rác, đất thải phát sinh hằng ngày, thu dọn hết rác, đất thải tồn đọng trong các khu vực dân cư; bảo đảm vệ sinh môi trường phục vụ các hoạt động, sự kiện văn hóa-nghệ thuật-thể thao tại các nơi công cộng, các điểm tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa. Thời gian thực hiện đợt 1: phục vụ Tết Dương lịch năm 2023 từ ngày 29/12/2022 đến hết ngày 2/1/2023. Ðợt 2, phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 từ ngày 13/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023 (tức từ ngày 22 tháng Chạp đến hết ngày 5 tháng Giêng năm Quý Mão).

Tại khu vực các quận, huyện và tuyến đường Ðại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp, huy động nhân lực, phương tiện bảo đảm chất lượng duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết đất thải, rác thải phát sinh trong ngày và sẵn sàng huy động lực lượng phương tiện kịp thời tham gia thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Trong thời gian chào mừng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (từ ngày 19/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023), tăng cường công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày, công tác quét hút, rửa đường trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Hai Bà Trưng, Ðống Ða, Nam Từ Liêm, tập trung duy trì tại các khu vực trọng điểm; phối hợp chính quyền địa phương thực hiện tổng vệ sinh trên toàn bộ địa bàn được giao vào sáng thứ bảy hằng tuần; chuẩn bị các nhà vệ sinh công cộng lưu động để lắp đặt tại các nơi vui chơi công cộng và sẵn sàng đưa ra lắp đặt phục vụ khi có yêu cầu. Lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn và duy trì sạch sẽ các nhà vệ sinh công cộng. Tăng cường công nhân để duy trì nhặt rác ngày kết hợp với tuyên truyền vận động người dân không xả rác ra đường và nơi công cộng. Rà soát, duy trì bảo đảm các thùng rác, xe gom, hòm đồ và các điểm tập kết xe gom luôn sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh. Bố trí các phương tiện bảo đảm, duy trì vệ sinh môi trường các tuyến đường, tổ chức thu gom, vận chuyển hết đất thải, rác thải phát sinh trong ngày.

Chính quyền cơ sở, các quận, huyện cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giám sát triệt để, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Chỉ đạo công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển rác thải ở các khu phố trước và sau Tết Nguyên đán. Ðặc biệt tại các khu dân cư tập trung, các chợ, nơi công cộng, nơi tổ chức các lễ hội, các tuyến đường giao thông chính không để rác thải tồn đọng, không đốt rác, chôn lấp không hợp vệ sinh. Các cơ quan, ban, ngành TP Hà Nội cần có sự chung tay, nhất là sự tham gia tích cực của mỗi người dân, nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống, giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng thành phố văn minh, xanh-sạch-đẹp.