Phó Thủ tướng Lê Văn Thành:

Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân là trên hết

NDO - Tối 27/9, tại tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp trực tuyến đầu cầu với 8 địa phương cũng như lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan để ứng phó với bão số 4 (Noru). Cuộc họp diễn ra trước khi bão vào đất liền.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng, chống bão, thăm hỏi người dân huyện Triệu Phong.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng, chống bão, thăm hỏi người dân huyện Triệu Phong.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận những nỗ lực ứng phó với bão số 4 của các địa phương miền trung. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 4 được dự báo là bão lớn nên không được chủ quan.

Chiều 27/9, một cơn lốc đi qua thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã làm 120 nhà dân, 180 quầy hàng, ki-ốt tốc sập, tốc mái và 3 người bị thương. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có mặt kịp thời xử lý tình huống này.

Chính phủ cử 2 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tiền phương do Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai và Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra, chỉ đạo tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế.

Yêu cầu trên hết phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Sức khỏe, tính mạng của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Phó Thủ tướng yêu cầu, theo dự báo chỉ còn thời gian rất ít nữa bão số 4 đổ bộ vào bờ. Vì vậy, yêu cầu trên hết phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; sức khỏe, tính mạng của người dân phải đặt lên hàng đầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa bão gây ra; phải đặt nhiệm vụ di dân đến nơi an toàn là cao nhất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo vệ các công trình, hồ đập, đê điều cũng như trụ sở cơ quan, đơn vị, hạ tầng giao thông, điện… Tại các vùng người dân được tập trung đến tránh trú bão cần phải quan tâm lương thực, thực phẩm đầy đủ; ứng cứu kịp thời các điểm chia cắt, các tình huống khó lường do bão lũ gây ra.

Phó Thủ tướng nhắc nhở, các địa phương cần phải tăng cường, duy trì lực lượng trực ban 24/24, kịp thời báo cáo khi có tình huống phát sinh; ưu tiên dành tối đa thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác chỉ đạo điều hành và diễn biến của bão số 4; theo dõi sát thông tin, diễn biến bão, mưa lũ sau bão để kịp thời chỉ đạo xử lý khi có tình huống; kiểm soát chặt chẽ, không cho người dân trở lại lồng bè, chòi canh khi bão chưa tan.

Đồng thời, các địa phương cần điều tiết, phân luồng giao thông và khuyến cáo người dân không ra đường từ đêm 27/9 đến khi bão tan; xem xét dừng một số hoạt động sản xuất để hạn chế tối đa người dân tham gia giao thông trong thời gian bão đổ bộ; cũng như điều các lực lượng quân khu, quân đoàn cơ động đến các vị trí trọng điểm để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể do bão gây ra.

Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân là trên hết ảnh 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến tại tỉnh Quảng Trị và đầu cầu 8 địa phương miền trung.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương, hồi 16 giờ ngày 27/9, bão số 4 ở khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 110,6 độ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 252km về phía đông, cách Quảng Nam khoảng 234km, cách Quảng Ngãi khoảng 205km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14, giật cấp 16. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ vĩ bắc, phía tây kinh tuyến 115,0 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Dự báo triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng ven biển các tỉnh lúc 23 giờ ngày 27/9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng). Lượng gió thực đo tại một số trạm lúc 16 giờ Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 4; Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 7, giật cấp 10; Song Tử Tây (Khánh Hòa) cấp 5; Phú Quý (Bình Thuận) cấp 6.

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người. Kết quả đến 17 giờ ngày 27/9 đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71% (Quảng Trị 4.124/12.926, Thừa Thiên Huế 2.552/8.407, Đà Nẵng 9.300/30.721, Quảng Nam 39.897/123.714, Quảng Ngãi 23.006/68.034, Bình Định 5.109/14.729).

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người. Kết quả đến 17 giờ ngày 27/9 đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71% (Quảng Trị 4.124/12.926, Thừa Thiên Huế 2.552/8.407, Đà Nẵng 9.300/30.721, Quảng Nam 39.897/123.714, Quảng Ngãi 23.006/68.034, Bình Định 5.109/14.729).

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch bảo đảm an toàn; đã tổ chức nhắn 11,27 triệu tin nhắn cảnh báo, hướng dẫn ứng phó bão. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.

Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm (đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/299.678 lao động di chuyển tránh trú an toàn). Với tàu vận tải, có 983 tàu thuyền (433 tàu biển và 550 phương tiện thủy nội địa) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12 giờ ngày 27/9 đến 12 giờ ngày 28/9. Có 244.768 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng, hơn 2.920 phương tiện sẵn sàng ứng trực bão số 4.