Bảo đảm an ninh trật tự tại các phiên tòa dân sự

Thời gian qua, tại một số phiên tòa dân sự đã xảy ra nhiều vụ việc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì thiếu kiềm chế mà gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng. Tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp kịp thời xử lý, ngăn chặn, bảo đảm sự tôn nghiêm tại tòa án.

Quang cảnh một phiên tòa xét xử vụ án dân sự. Ảnh: LÊ XUÂN QUANG
Quang cảnh một phiên tòa xét xử vụ án dân sự. Ảnh: LÊ XUÂN QUANG

Sáng 30/10, đối tượng Dư Văn Thanh (sinh năm 1983, trú tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cùng vợ và bố vợ đến Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn để giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Tại đây, hai bên xảy ra mâu thuẫn, Thanh dùng dao đâm chết vợ, đâm bố vợ trọng thương và khiến một thẩm phán bị thương. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc gây mất an ninh tại các phiên tòa dân sự diễn ra trong thời gian qua. Hiện nay, tại một số phiên tòa dân sự, tình trạng đương sự bức xúc rồi có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cán bộ tòa án và những người tham gia tố tụng diễn ra ở nhiều nơi. Thực tế cho thấy, trong khi xét xử, các bên sẽ khó tránh khỏi bức xúc dẫn đến thiếu kiềm chế bản thân và có những hành vi quá khích.

Nhằm bảo đảm cho việc xét xử được trang nghiêm, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự cho hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa, tạo điều kiện cho việc xét xử của tòa án, Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nội quy phiên tòa gồm: Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa; nghiêm cấm mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành,…; mọi người tham dự phiên tòa phải có thái độ tôn trọng hội đồng xét xử, giữ trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa;… Điều 491 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án. Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự… Theo Điều 492 của bộ luật này: Người có hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án thì     tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/3/2016 của Bộ Công an và Thông tư số 117/2020/TT-BCA ngày 5/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2016/TT-BCA quy định lực lượng công an khi tham gia bảo vệ phiên tòa phải bảo đảm các nguyên tắc như: Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa và hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án;... Việc bảo vệ phiên tòa giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính chỉ thực hiện khi có yêu cầu của Tòa án nhân dân. Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án thì sơ đồ phòng xử án không bắt buộc phải có lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa. Theo các quy định nêu trên, có thể thấy tòa án hiện nay chưa có lực lượng cảnh sát bảo vệ thường trực, trừ một số vụ án dân sự mà tòa yêu cầu hỗ trợ bảo vệ phiên tòa. Trong khi đó, nhiệm vụ thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc phải rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa thuộc về cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. 

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Đặng và cộng sự (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các phiên tòa là việc làm rất quan trọng trong công tác xét xử, thể hiện tính tôn nghiêm của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn chỉ các phiên tòa xét xử vụ án hình sự mới có sự tham gia bảo vệ của lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa, còn các phiên tòa xét xử vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính,… rất ít khi có sự tham gia của lực lượng này và cũng chỉ tham gia khi Tòa án nhân dân có yêu cầu chứ không phải là lực lượng thường xuyên chuyên trách cho các Tòa án. Nếu khi đang diễn ra phiên tòa mà nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án,… có những hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín, thậm chí tính mạng của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng nhưng phiên tòa không có lực lượng cảnh sát bảo vệ kịp thời can thiệp thì sẽ gây ra hậu quả khó lường và trường hợp đáng tiếc xảy ra tại Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn vừa qua là một thí dụ. Chính vì vậy, việc làm cấp thiết là cần phải hoàn thiện, sửa đổi các quy định của pháp luật về sự tham gia thường trực của lực lượng cảnh sát bảo vệ trong các phiên tòa, nâng mức trách nhiệm và biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi gây rối phiên tòa, đe dọa tính mạng của những người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng để răn đe, cảnh tỉnh cho những ai cố tình vi phạm.

Xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh trật tự, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác ngay tại trụ sở tòa án để thể hiện tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan bảo đảm an ninh trật tự trong hoạt động tố tụng, an toàn cho những người tiến hành tố tụng và những người tham gia. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, nhất là ý thức khi làm việc với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có tòa án.

Theo Điều 391 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi gây rối tại phiên tòa như: Thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp; đập phá tài sản (trừ trường hợp quy định tại Điều 178 của bộ luật này) thì sẽ chịu hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Nếu hành vi phạm tội dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp; hành hung thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác (trừ trường hợp quy định tại Điều 134 của bộ luật này) thì phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.