Bàn giải pháp thúc đẩy lĩnh vực khoa học xã hội

NDO - Ngày 2/12, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới - thực trạng và giải pháp” thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2/12/1953-2/12/2024).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã xác định nhiệm vụ: Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức.

Bàn giải pháp thúc đẩy lĩnh vực khoa học xã hội ảnh 1

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo.

Ngày 9/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”, trong đó yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng Đề án tăng cường năng lực, phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hiện, Viện đang tập trung trí tuệ xây dựng dự thảo, xin ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia để hoàn thiện Đề án theo hướng đề xuất sắp xếp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần quán triệt tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sáng ngày 1/12/2024, hướng tới xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới.

Bàn giải pháp thúc đẩy lĩnh vực khoa học xã hội ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn phát biểu Đề dẫn hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án nêu rõ: Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhất quán đề cao vai trò của khoa học xã hội và nhân văn; khẳng định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; chủ trương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, đầu tư cho khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng ngày một giảm; hầu hết các chủ trương, chính sách của Việt Nam đến nay đều được xây dựng chung cho cả khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, nhưng thường xuất phát từ thực trạng và yêu cầu của khoa học tự nhiên và công nghệ hơn là khoa học xã hội và nhân văn. Điều đó dẫn đến tình trạng khoa học xã hội và nhân văn đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập cần được giải tỏa, tháo gỡ.

Hội thảo đã nghe ý kiến thảo luận của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học hàng đầu, phân tích thực trạng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về nhân sự, về thành quả nghiên cứu khoa học và những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung, với khoa học xã hội nói riêng.

Bàn giải pháp thúc đẩy lĩnh vực khoa học xã hội ảnh 4

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử thế giới trình bày tham luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn ngang tầm thế giới phải có chuyên gia giỏi ngang tầm thế giới, nhưng hiện nay đội ngũ này ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam rất ít, rất khó để ngang tầm thế giới. Cần có cơ chế thu hút, giữ chân người tài. Cơ chế đãi ngộ, cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học xã hội nói riêng hiện còn gò bó, các nhà khoa học không được phép tiếp cận nguồn vốn bên ngoài, thu nhập của các nhà khoa học không tương xứng với nhiệm vụ.

Nghị quyết 107 của Chính phủ mở ra bước thay đổi cơ bản cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để thoát khỏi tình trạng khó khăn, trì trệ. Cần phải có sự thay đổi căn bản, sắp xếp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với lịch sử vẻ vang của Viện, đóng góp cho sự vươn mình của dân tộc.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia để hoàn chỉnh dự thảo Đề án trình Chính phủ. Theo Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chủ động tinh giản bộ máy, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức lại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.