Hiểm họa từ xe tự chế

Hiện nay, trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố không khó để bắt gặp những chiếc xe tự chế tham gia giao thông. Tại Hà Nội, các tuyến phố thường có mật độ giao thông cao như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Tam Trinh, Láng…, xe tự chế đủ loại ngang nhiên chạy trên đường. Hầu hết là những chiếc xe máy cũ được cơi nới thùng lớn để chở hàng.

Những chiếc xe này khi di chuyển thường chở theo rất nhiều hàng hóa như gạch, đá, sắt thép…, chạy nghênh ngang trên đường, cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Anh Nguyễn Trọng Khánh (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Hằng ngày đi làm tôi bắt gặp rất nhiều xe tự chế chạy trên đường rất cồng kềnh, khiến các phương tiện khác đi lại rất khó khăn, nhất là tại các tuyến đường nhỏ, hẹp hoặc đông phương tiện qua lại. Chưa kể, những người điều khiển xe chạy rất ẩu, ít quan sát chung quanh. Cứ mỗi khi thấy xe tự chế, tôi đều phải chạy chậm lại, tránh xa để an toàn cho bản thân”.
 
 Trên thực tế, không chỉ gây cản trở giao thông, mà đã có không ít vụ tai nạn do các loại xe tự chế gây ra. Chỉ trong mấy ngày giữa tháng 4 vừa qua, tại TP Hải Phòng đã xảy ra hai vụ tai nạn do xe tự chế chở gạch đâm vào các phương tiện tham gia giao thông trên đường. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng các phương tiện đều bị hư hỏng nặng. Đáng chú ý, ngày 16-4 vừa qua, đang đi đường thì một người dân tại TP Hồ Chí Minh đã va chạm với xe tự chế chở sắt xây dựng. Vụ tai nạn khiến người này bị 11 thanh sắt loại to đâm xuyên chân trái. Người dân phải dùng máy cưa sắt để cắt ngắn 11 thanh sắt mới giải cứu được nạn nhân và đưa đến bệnh viện cấp cứu.
 
 Theo Chỉ thị số 46 ngày 9-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 ngày 28-12-2007 của Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải thì các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ ngày 1-1-2008. Xe tự chế cũng được xác định bao gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh, trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát... điểm b, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng. Bên cạnh đó, trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, người điều khiển xe tự chế có thể phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
 Mặc dù đã có nhiều quy định, chế tài; lực lượng chức năng có nhiều biện pháp phổ biến, tuyên truyền và ra quân xử lý, nhưng đến nay, tình trạng xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn diễn ra hằng ngày. Vì vậy, rất cần các lực lượng chức năng tiếp tục xây dựng các kế hoạch, phương án tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế tham gia giao thông; kiên quyết tạm giữ phương tiện, chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tự mình nâng cao nhận thức, không vì cái lợi trước mắt mà bất chấp quy định pháp luật, lưu hành các loại phương tiện không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông này.