Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19

Để phòng, chống Covid-19, ngoài việc áp dụng các biện pháp theo thông điệp 5K thì tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều nơi trở thành điểm nóng, người dân mong muốn sớm được tiêm vắc-xin phòng dịch.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Hà
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Hà

Bác Quách Văn Luật, 59 tuổi, ở phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề lái xe ôm. Hằng ngày, bác Luật thường đón khách ở khu vực trước cổng Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi đang điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Bác Luật chia sẻ: "Dịch bệnh căng thẳng thế này tôi cũng lo lắm. Giờ tuổi cao, sức yếu rồi, nhỡ mắc Covid-19 thì không có sức đề kháng để chống cự, nhưng không đi làm thì không có thu nhập. Nghe tin thành phố Hà Nội có chủ trương tiêm miễn phí vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, tôi cũng thấy vui nhưng băn khoăn chưa biết khi nào đến lượt mình". Băn khoăn của bác Luật cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân khi nhắc đến câu chuyện tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Những ngày này, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo: vừa lo kiếm sống, vừa lo chữa bệnh, vừa lo phòng dịch Covid-19. Ðối với những người mắc bệnh nan y, sức khỏe đã bị suy kiệt, thật không nỗi lo nào hơn khi phải sống chung với dịch Covid-19. Anh Mai Anh Tuấn, 45 tuổi, quê ở Ba Vì (Hà Nội), người đã gắn bó với "xóm chạy thận" này gần 25 năm cho biết: Hiện cả xóm có 134 người, tất cả đều từ quê ra, phải thuê trọ lâu dài ở đây để chữa bệnh. Nhiều người đến giờ vẫn chưa quên đợt dịch Covid-19 hồi tháng 3-2020, khi đó Bệnh viện Bạch Mai trở thành tâm dịch với hàng chục ca bệnh. Mặc dù bệnh viện phải phong tỏa, ngừng tiếp nhận bệnh nhân, nhưng do yêu cầu cấp thiết vẫn ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Một tuần ba lần, anh Tuấn và các bệnh nhân xóm chạy thận phải ra vào bệnh viện để lọc máu, dù phải đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Vừa chạy thận vừa lo không may nhiễm dịch Covid-19, anh, chị, em trong xóm phải động viên nhau, nhắc nhau đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. "Vậy là đã qua được một năm, bây giờ dịch lại bùng phát nhiều nơi, ổ dịch có cả ở các bệnh viện, những bệnh nhân như chúng tôi càng thấy lo hơn. Nếu bây giờ được Nhà nước quan tâm, tiêm miễn phí vắc-xin phòng Covid-19 thì chúng tôi biết ơn lắm", anh Tuấn xúc động nói.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tiêm vắc-xin để chủ động phòng dịch Covid-19 không chỉ là mong muốn của những người mắc bệnh nan y như anh Tuấn mà còn là nguyện vọng của mọi người dân, nhất là những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm và dễ gặp rủi ro khi mắc Covid-19.

Theo một số chuyên gia y tế, bản chất của tiêm vắc-xin là tiêm kháng nguyên vào cơ thể người, kích thích hệ thống miễn dịch, sinh kháng thể nội sinh chống lại vi-rút SARS-CoV-2 khi xâm nhập cơ thể chúng ta. Việc phòng, chống tốt hay không phụ thuộc vào loại vắc-xin và sức đề kháng của từng người được tiêm. Không phải cứ tiêm vắc-xin là ngừa được bệnh do có nhiều biến chủng mới. Tuy nhiên, những người được tiêm vắc-xin nếu có bị nhiễm Covid-19 thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn rất nhiều người chưa tiêm chủng. Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ hơn 70% số dân trong một thời gian nhất định sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, vì nhiều lý do, tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở nhiều địa phương còn chậm. Theo thống kê của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến nay, hơn 800 nghìn người đã được tiêm vắc-xin, đó là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh Covid-19, các nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Nếu tính số người được tiêm chủng trên tổng số 90 triệu dân thì mới đạt tỷ lệ chưa đến 1%, so với yêu cầu đạt mức tiêm chủng hơn 70% số dân để tạo được miễn dịch cộng đồng thì còn quá thấp.

Trong bối cảnh cấp bách hiện nay, hơn lúc nào hết mọi người dân đều mong muốn sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, dù có phải chi trả tiền dịch vụ. Mong rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế và những đơn vị được giao chức năng nhập khẩu, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 sớm đáp ứng đủ để tiêm ngừa cho người dân, tạo thế chủ động đẩy lùi đại dịch.

“Vắc-xin là chìa khóa cuối cùng của bất cứ đại dịch nào trên thế giới. Nếu không tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng thì khó dập được đại dịch”.

PGS, TS NGUYỄN LÂN HIẾU 
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

“Chỉ mong Nhà nước có thể sớm hỗ trợ tiêm miễn phí cho những người nghèo mắc bệnh nan y như chúng tôi. Còn bây giờ, chúng tôi chỉ biết làm hết sức để tự bảo vệ mình thôi”. 

VŨ THỊ MAI 
(Xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị,  quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)