Đổi mới mô hình tăng trưởng ở tam giác kinh tế trọng điểm phía nam: Xây dựng chiến lược bài bản

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp khoa học kỹ thuật, chú trọng đầu tư kết nối giao thông liên vùng đang là những vấn đề được các địa phương trong tam giác trọng điểm phía nam tập trung triển khai để đón nhận nguồn vốn đầu tư thế hệ mới và sẵn sàng cạnh tranh “hái trái trên cành cao”.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại một công ty có vốn FDI trong Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)
Sản xuất tại một công ty có vốn FDI trong Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)

Tuy nhiên, để làm được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cần xây dựng một chiến lược cụ thể, tránh trùng lặp, cạnh tranh nội bộ với tầm nhìn xa của cả vùng để cùng phát triển.

Những bước đi Sáng tạo, đột phá

Ngoài 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 13.600 ha, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai xây dựng khu công nghiệp sinh thái ở huyện Bàu Bàng theo hướng xanh, thông minh, bền vững, đồng thời, đầu tư Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) kết nối giao thương với 230 trung tâm thương mại thế giới trên toàn cầu. Tỉnh cũng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore nhằm đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp với hành trình chuyển đổi “công nghiệp 4.0”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết: Tỉnh đã có chiến lược xây dựng thành phố thông minh dựa trên mô hình tương tác giữa “ba nhà”: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Thành phố thông minh Bình Dương được Cộng đồng Thông minh thế giới vinh danh ba lần liên tiếp “Top 7 ICF” và “Top 1 ICF” năm 2023 về chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Với những bước đi này, tỉnh kỳ vọng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng kết nối hợp tác với 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 11 tỉnh, thành phố trên thế giới.

Để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dự kiến tháng 9/2024, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, đặt tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và được kỳ vọng sẽ là nền tảng tạo sức bật về đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác quốc tế. Trung tâm là tiền đề quan trọng để phát triển các sáng kiến toàn cầu, khai thác toàn bộ tiềm năng của tiến bộ “công nghệ 4.0”, kết nối Việt Nam với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo. Theo các chuyên gia, trung tâm sẽ tham mưu, thí điểm các chính sách công nghiệp quốc gia tại thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng: Khu Công nghệ cao thành phố là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam, có vai trò chiến lược trong việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tại đây đã hình thành các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT... Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước trong thời gian tới.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: Địa phương rất chú trọng thúc đẩy hai lĩnh vực quan trọng là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn đang diễn ra sôi động trên thế giới. Tỉnh xác định phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, nhưng cũng kèm theo yêu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trên thế giới để đào tạo lao động đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Giải pháp phát triển bền vững

Trong giai đoạn hiện tại đối mặt nhiều thách thức, để nâng cấp và xây dựng một mô hình phát triển mới đón đầu những yêu cầu mới của thời đại rất quan trọng đối với Vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía nam. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đang cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố để làm đòn bẩy phát triển công nghiệp theo hướng gia tăng giá trị cao, phát triển xanh và bền vững. Trong đó, địa phương này chú trọng thu hút các nhà đầu tư lớn, mang hàm lượng khoa học-công nghệ cao để có thể tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh.

Để đạt các mục tiêu đề ra, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực… mời gọi các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC)…

Trong đó, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh giữ “sứ mệnh” thu hút các dự án công nghệ trọng yếu như công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới... Các lĩnh vực này là tiền đề quan trọng góp phần phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và mũi nhọn không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ. Mục tiêu của Khu Công nghệ này đến năm 2030 phát triển trở thành Khu Công viên khoa học và công nghệ chuẩn mực quốc tế; đến năm 2045 trở thành tiểu khu đô thị khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện đồng thời chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, xây dựng khu công nghệ cao trở thành khu đô thị xanh và thông minh kiểu mẫu của cả nước.

Đổi mới mô hình tăng trưởng ở tam giác kinh tế trọng điểm phía nam: Xây dựng chiến lược bài bản ảnh 2

Công nhân Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện sản phẩm đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác. (Ảnh: KHÁNH TRÌNH)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, từ mục tiêu đề ra, đơn vị tập trung thu hút các dự án trong các ngành công nghệ cao, tập trung vào các công đoạn, các khâu có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh dựa trên cơ sở nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cũng xây dựng các tiêu chí đánh giá đầu vào để tuyển chọn dự án đầu tư phù hợp với định hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đồng thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét các chính sách thí điểm có kiểm soát và triển khai thí điểm các công nghệ mới phù hợp định hướng tăng trưởng xanh...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tỉnh Bình Dương đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học-công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị xanh, thông minh, bền vững, tiến tới kiến tạo các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, tỉnh chú trọng thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững và thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: Quá trình phát triển không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế và tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội. Cùng với đó, không được để lại hệ lụy cho tương lai và phải được xã hội đồng thuận. Tỉnh Đồng Nai cần phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; phải có tư duy chọn lọc, cái gì có lợi cho người dân, cho địa phương thì quyết tâm làm, còn những gì có hại kiên quyết từ chối.

Các trụ cột kinh tế của tỉnh Đồng Nai được xác định trong giai đoạn tới là công nghiệp; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; logistics, dịch vụ, du lịch, cảng hàng hải, hàng không và xây dựng. Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển bằng các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa và đất đai; thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, chọn lọc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp hài hòa với hạ tầng xã hội và thích ứng với việc tăng dân số cơ học tại địa phương.

-------------

Đổi mới mô hình tăng trưởng ở tam giác kinh tế trọng điểm phía nam (Bài 1)