Bài 1: Lan tỏa những cách làm hay
Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và sức ép cạnh tranh với các nước, đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu tất yếu đối với các địa phương trong tam giác trọng điểm phía nam. Nhiều giải pháp mới, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đã được các địa phương này triển khai, từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững.
Huy động hiệu quả các nguồn lực kết hợp nội lực của từng địa phương với cách làm sáng tạo đã giúp vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía nam tạo ra giá trị gia tăng cao và đem lại nhiều việc làm cho người lao động.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh tại Bình Dương đang phát huy hiệu quả tích cực. Tháng 5/2024, Công ty TNHH Pandora Production Việt Nam, thuộc Tập đoàn Pandora của Đan Mạch, đã khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 ở tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư 150 triệu USD.
Nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - một chứng nhận hàng đầu về công trình xanh - chỉ sử dụng bạc, vàng tái chế và sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo sẽ tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động với công suất hằng năm khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức.
Cũng tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3, Công ty Lego Manufacturing Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lego của Đan Mạch) đang hoàn tất các bước chuẩn bị để sản xuất ra các bộ đồ chơi Lego. Với số vốn đầu tư hơn một tỷ USD, nhà máy Công ty Lego Manufacturing Việt Nam được thiết kế để trở thành nhà máy bền vững nhất của Tập đoàn Lego thông qua việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái và một trang trại điện mặt trời được xây dựng trên khu đất lân cận.
Năng lượng từ hai nguồn này sẽ đáp ứng tổng nhu cầu năng lượng hằng năm cho nhà máy. Nhà máy sử dụng những thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng tiên tiến nhất, đồng thời, các tòa nhà và quy trình sản xuất được thiết kế để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng.
Với các dự án nêu trên, tỉnh Bình Dương hiện thu hút 4.322 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 41 tỷ USD. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết: Hiện nay, chính sách của Bình Dương đã chuyển hướng sang thu hút đầu tư chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước và có đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại địa phương. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và định hướng trong quy hoạch quốc gia cũng đã đặt mục tiêu đưa tiểu vùng phát triển gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương trở thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo.
Huy động hiệu quả các nguồn lực kết hợp nội lực của từng địa phương với cách làm sáng tạo đã giúp vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía nam tạo ra giá trị gia tăng cao và đem lại nhiều việc làm cho người lao động.
Tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thành phố Hồ Chí Minh đang định hình hướng đi, chu kỳ phát triển công nghiệp mới. Thành phố tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao; đồng thời, mời chào các nhà đầu tư có thể giúp xây dựng được hệ sinh thái xoay quanh, tạo sức lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ sau bốn tháng được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, cuối tháng 2/2024, Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã khánh thành nhà máy tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công ty chuyên sản xuất máy móc phục vụ cho khâu đóng gói chip đầu tiên đầu tư tại Việt Nam nhằm cung cấp thiết bị cho ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu. Với diện tích chỉ 2.000 m2 nhưng vốn đầu tư lên tới gần 5 triệu USD giai đoạn 1, nhà máy chuyên cung cấp khuôn mẫu và các phụ kiện tiên tiến cho hệ thống máy móc phục vụ khâu đóng gói chip.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có cơ sở hạ tầng đồng bộ, công nghệ, đội ngũ trí thức đông đảo với nhiều kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn là yếu tố quan trọng để hấp dẫn các công ty, tập đoàn bán dẫn đầu tư. Việc thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn sẽ mang lại những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, cũng như cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo cơ hội việc làm, cũng như động lực đào tạo đội ngũ kỹ sư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết: Sáu tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp thu hút hơn 940 triệu USD vốn đầu tư, vượt kế hoạch đề ra trong năm. Các dự án thu hút mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn. Không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động, không bảo đảm các tiêu chí về công nghệ tiên tiến và không phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của địa phương.
Tạo hiệu quả thiết thực
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm của tỉnh Bình Dương đạt được kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng 6,19% so cùng kỳ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng: Tỉnh không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện chuyển đổi xanh nền kinh tế. Sự có mặt của Tập đoàn Lego, Tập đoàn Pandora tại Bình Dương là một trong những minh chứng hết sức sinh động về sự lựa chọn và hướng đi đúng đắn của tỉnh Bình Dương trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh lấy khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới đã tạo nền tảng vững chắc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể, thành phố đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, khoảng 50 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng có gần 100 trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu, nguồn lực quan trọng, góp phần đưa thành phố tiến gần đến tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất toàn cầu.
Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP thuộc bốn ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược-nhựa-cao su) và chín ngành dịch vụ trọng yếu (thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn-khoa học công nghệ; giáo dục-đào tạo; y tế) của thành phố bình quân đạt hơn 47,2%.
Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chỉ tính riêng năm 2023, sở đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 2.500 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển gần 310 dự án; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm…
Tương tự, Đồng Nai cũng xác định rõ những bước đi nền tảng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Để chủ động đón làn sóng đầu tư mới chất lượng cao đến từ các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng việc đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp để dự án triển khai nhanh, sớm đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến các thủ tục thành lập, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Với việc chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, lao động…, tỉnh đang nỗ lực kiến tạo, nâng tầm không gian phát triển, tạo tiền đề quan trọng tiếp tục đón làn sóng đầu tư mới, tạo nên hình ảnh Đồng Nai năng động, thân thiện, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
(Còn nữa)